Kỳ vọng lợi nhuận toàn cầu cũng giảm xuống mức năm 2008, các chiến lược gia của BofA lưu ý rằng, kỳ vọng lợi nhuận chạm đáy trước đó đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng lớn khác của Phố Wall, chẳng hạn như vụ sụp đổ của Lehman Brothers và sự bùng nổ của bong bóng dotcom.
Cuộc khảo sát của BofA bao gồm 266 nhà quản lý quỹ tham gia với 747 tỷ USD được quản lý trong tuần từ ngày 4/6 đến ngày 10/6, kết thúc trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào ngày 10/6 làm “tan tành” hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của mình.
Chiến lược gia Michael Hartnett cho biết: “Tâm lý Phố Wall là tồi tệ nhưng không có mức thấp như hiện tại đối với cổ phiếu trước khi lợi suất và lạm phát ở mức cao, và điều này đòi hỏi Fed phải tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7”.
Cuộc khảo sát cho thấy, có 73% số người được hỏi kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ yếu hơn trong 12 tháng tới, mức thấp nhất kể từ cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1994. Điều này cung cấp cái nhìn sâu sắc về trạng thái phân bổ danh mục và tâm lý của các nhà quản lý quỹ ngay trước khi chỉ số S&P 500 bước vào thị trường gấu vào thứ Hai (13/6) khi lạm phát của Mỹ gia tăng làm dấy lên lo ngại về hành động sắc bén hơn từ Fed.
Các nhà quản lý quỹ hầu hết cho rằng, nên nắm giữ vị thế “long” tiền mặt, đô la Mỹ, hàng hóa, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài nguyên, cổ phiếu cơ bản tốt và cổ phiếu giá trị, trong khi nắm giữ vị thế “short” chiếm ưu thế đối với trái phiếu, cổ phiếu châu Âu và thị trường mới nổi, cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương với quan điểm diều hâu đang được xem là rủi ro lớn nhất đối với thị trường giữa các nhà đầu tư, sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu. Các vị thế “long” dầu mỏ và hàng hóa là các giao dịch đang thu hút số đông nhà đầu tư nhất.