UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao UBND TP. Nha Trang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun; đồng thời khoanh vùng, thực hiện bảo vệ chặt chẽ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của Vịnh Nha Trang.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP. Nha Trang khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính rà soát, hỗ trợ về kinh phí, phương tiện hoạt động và đảm bảo các điều kiện cần thiết để Ban quản lý vịnh Nha Trang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
UBND TP. Nha Trang có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhằm tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trên vịnh Nha Trang.
UBND TP. Nha Trang chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động trên vịnh Nha Trang hiện nay; qua đó, khẩn trương tham mưu sửa đổi, khắc phục các vấn đề còn bất cập, hạn chế, chồng chéo trong công tác quản lý các hoạt động trên vịnh Nha Trang; đồng thời khẩn trương rà soát, hoàn thiện Đề án “Khảo sát phân vùng chức năng khu bảo tồn biển” theo Nghị quyết số 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản để làm cơ sở quản lý khoanh vùng chức năng theo quy định.
UBND TP. Nha Trang chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ở, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện ngay việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để có báo cáo cụ thể, chính xác, đầy đủ về hiện trạng, nguyên nhân của sự suy giảm hệ sinh thái rạn san hô khu vực Hòn Mun và khu vực vịnh Nha Trang, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi.
Về giải pháp lâu dài, UBND TP. Nha Trang là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trình UBND tỉnh rà soát, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 25/7/2022.
Trước đó, Báo Đầu tư đăng tải bài viết: "Hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang bị “bức tử”: “Trái tim biển” chết vì sự vô cảm?". Bài báo phản ánh, Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đang “thoi thóp” từng ngày bởi sự tác động thô bạo của con người. Những rạn san hô đã và đang chết, như thông điệp gửi đến những ai vô cảm với môi trường biển. Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho rằng, thời gian phục hồi hệ sinh thái rạn san hô ước tính phải... 10 năm!.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...