Để không gian đi bộ trở thành “thỏi nam châm” hút khách

0:00 / 0:00
0:00
Phát triển không gian đi bộ tại các đô thị theo hướng mỗi không gian cần mang nét đặc trưng riêng với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, trưng bày hấp dẫn để trở thành “thỏi nam châm” hút khách dài lâu.
Du khách trải nghiệm tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Phương Linh Du khách trải nghiệm tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Phương Linh

Không thể rập khuôn

Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận giờ đây đã trở thành “đặc sản”, “ngôi sao sáng” trên bản đồ du lịch Hà Nội. Để có được một không gian đi bộ hấp dẫn như thế, từ gần hai thập niên trước, năm 2003, chợ đêm Đồng Xuân khai trương và hút khách đã tạo “bàn đạp” để Hà Nội mở tuyến phố đi bộ đầu tiên một năm sau đó tại quận Hoàn Kiếm, trên trục đường: Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy nối với Đồng Xuân.

Năm 2016, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận chính thức thí điểm từ tối thứ Sáu đến tối Chủ nhật lập tức thu hút đông đảo người dân, du khách với những nét riêng mang đậm phong vị Hà thành, từ truyền thống văn hóa, lịch sử đến kiến trúc, cảnh quan, cây xanh… cùng lợi thế đặc biệt là “trái tim của trái tim Hà Nội”.

Khi tạo dựng không gian phố đi bộ, cần đảm bảo những yêu cầu về quản lý môi trường, an ninh. Các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ cần đạt tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

- Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel

Mỗi dịp cuối tuần, từ trẻ nhỏ, đến nam thanh nữ tú, người lớn, rồi cả người già, khách du lịch hân hoan đến không gian đi bộ này thư giãn một cách đều đặn. Họ đã yêu, si mê không gian của những lễ hội, thoáng đãng, mát mẻ và trong lành giữa lòng Thủ đô biết nhường nào. Hơn thế, đến đây, người dân và du khách chỉ cần đi bộ sang những con phố giáp ranh để thưởng thức những món ăn chất chứa tinh hoa, như phở Thìn, chả cá, cà phê trứng, nộm...

Từ thành công của phố đi bộ hồ Gươm và phụ cận, giữa năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục mở tuyến phố đi bộ thứ hai - phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) hoạt động các tối cuối tuần. Sau đó, phố bích họa Phùng Hưng khai trương đúng dịp Tết Nguyên đán 2018 với 19 tác phẩm mô tả lại khung cảnh sinh hoạt, những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội trước năm 2000 trên vòm cầu đường sắt vốn đã bị ngủ quên nhiều năm lập tức thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp hình.

Dịp 30/4, 1/5 vừa qua, không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính thức mở cửa lập tức “thất thủ”, đến nay mỗi cuối tuần vẫn đông nghịt du khách. Bởi nhu cầu vui chơi, giải trí của “thủ phủ” kinh tế, văn hóa xứ Đoài quá lớn.

Thế nhưng, thành công của không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận hay phố bích họa Phùng Hưng không phải công thức thành công chung, càng không thể rập khuôn áp dụng cho những mô hình phố đi bộ ở nơi khác.

Đừng vội “chín ép”

Tại Hà Nội, hàng loạt phố đi bộ khác cũng đang được các quận, huyện đề xuất như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3…

Theo các chuyên gia, nhu cầu mở không gian đi bộ là cần thiết, trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu đi bộ, dạo chơi của người dân Thủ đô. Đồng thời mở ra những kênh đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thêm thu nhập cho người dân và ngân sách nhà nước.

Khẳng định du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho rằng, việc mở rộng phố đi bộ là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, những nhà tổ chức cần tăng tính tương tác qua lớp học hoặc không gian trải nghiệm mở ngay tại không gian đi bộ và các hoạt động này cần liên tục được đổi mới và đa dạng hơn.

Để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ, CEO AZA Travel cho rằng, trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn. Việc ra đời các tuyến phố đi bộ cần kết nối với nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau.

Chia sẻ yếu tố quyết định thành công của một tuyến phố đi bộ mới, ông Lê Vinh, CEO Hanoi La Storia Hotel nhấn mạnh: “Nếu các phố đi bộ khác không có đặc trưng nổi bật thì khó có thể khiến người dân, du khách thường xuyên lui tới, có chăng họ chỉ tò mò thời gian mở cửa ban đầu rồi một đi không trở lại”.

Theo ông Vinh, bản thân Hồ Gươm và vùng phụ cận vốn đã đông đúc, là nơi có sẵn mọi dịch vụ và là tâm điểm trong suy nghĩ của mỗi người về Hà Nội. Đơn cử, Hà thành có rất nhiều khu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trải đều tại các quận, huyện, nhưng người dân vẫn có xu hướng ưu tiên những khu trung tâm như Hồ Gươm. Đây là thách thức đòi hỏi các không gia đi bộ cần tìm được ưu thế vượt trội, khác biệt để hút khách.

“Phố Trịnh Công Sơn mang tên người nhạc sĩ tài ba của Việt Nam thì nên là nơi tập trung của văn hoá, giới văn nghệ sĩ. Quy hoạch hàng quán, trang trí nên tập trung vào giới văn nghệ sĩ. Còn phố đi bộ Ngọc Khánh sắp khánh thành gần khu Kim Mã - Thủ Lệ vốn tập trung nhiều nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc thì hãy lấy chủ đề là phố đi bộ kiểu Nhật - Hàn, tập trung các quán hàng theo phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc như cosplay, hiphop... Hay phố đi bộ hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang có thể mở vào các tối trong tuần thay vì mở cuối tuần”, CEO Hanoi La Storia Hotel gợi mở và nhấn mạnh, khi chưa tìm ra nét đặc trưng, khả năng chinh phục khách hàng thì các phố đi bộ mới đừng vội “chín ép” để rồi “chết yểu” hoặc là nơi hoạt động kinh doanh thuần túy, thậm chí xô bồ, nhếch nhác.

Ðây cũng là bài học trong việc nhân rộng mô hình phố đi bộ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác như TP.HCM, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục