Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có liên quan công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện, góp phần hạn chế việc lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, gây ra tình trạng “sốt đất ảo” nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở…) bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, báo cáo cấp ủy theo đúng quy chế làm việc của từng địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định của pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa đánh giá, thời gian vừa qua tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đặc biệt là tại huyện Cam Lâm tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn không có dấu hiệu suy giảm thậm chí còn rầm rộ hơn.
“Thông thường đối với một bộ hồ sơ đăng ký xin chuyển mục đích sử dụng đất phải mất thời gian khoảng từ 20-30 ngày, đó là trường hợp còn hạn mức chỉ tiêu của khu vực còn nếu hết hạn mức thì phải đợi qua tới năm sau. Vậy thì câu hỏi đặt ra là các sàn môi giới bất động sản đã thông qua “đường ưu tiên” nào để có thể thành công chuyển đổi mục đích sử dụng với hạn mức rất lớn để bán ra thị trường liên tục từ nhiều năm nay?”, ông Hoàng phân tích.
Theo ông Hoàng, có thể nói tình trạng phân lô bán nền tràn lan và kéo dài nếu không có phương án kiểm soát hệ quả trước mắt sẽ để lại cho người dân địa phương mất nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất kinh doanh. Các khu đất triển khai phân lô bán nền không lập dự án đầu tư dẫn đến tình trạng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, trực tiếp phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị hình thành số lượng lớn các khu dân cư đi vào “ngõ cụt”. Theo Khoản 2 Điều 35 Luật đất đai 2013, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…
Một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Cam Lâm cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra tình trạng phân lô, bán nền diễn ra trên địa bàn huyện này và hiện chưa có kết quả.
Đặc biệt, sau khi tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng (Thành phố Nha Trang) mở ra, kết nối với Quốc lộ 27C đi Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tại huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) trở thành “điểm nóng” về vấn nạn chuyển đất lúa, đất nông nghiệp... sang đất thổ cư, nhất là trước thông tin huyện này đạt đô thị loại IV và sẽ lên thị xã trong tương lai gần.
Vừa qua, sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải hạn chế tối đa việc lập quy hoạch các khu đô thị (chủ yếu phục vụ việc phân lô, bán nền) không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, không thu hút được người dân đến sinh sống.