“Khách hàng Vip” và chiêu che giấu sai phạm của ông Trần Phương Bình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo đang tranh chấp nhưng Phan Thúy Mai vẫn được Ngân hàng Đông Á - DAB giải ngân hàng trăm tỷ đồng, bù lại, bị can phải ký hợp đồng vay vàng khống với ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Tuổi trẻ Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Tuổi trẻ

“Trúc trắc” tài sản đảm bảo

Theo cáo trạng, do có mối quan hệ với Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty Đầu tư và du lịch An Phát), ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) đã phê duyệt gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát.

Từ năm 2007 - 2014, Công ty An Phát đã ký nhiều hợp đồng vay tiền DAB. Trong các hợp đồng trên, các tài sản đảm bảo đều “có vấn đề”.

Cụ thể, ngày 5/5/2007, bà Mai ký hợp đồng vay 53 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư vào dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân (Vĩnh Phúc). Mặc dù đây là lần đầu hai bên có quan hệ giao dịch tín dụng nhưng do bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó tổng giám đốc DAB) nắm giữ 5% cổ phần tại Công ty An Phát đã gây sức ép cho cán bộ giải ngân nhanh.

Tài sản đảm bảo gồm 2 căn nhà ở quận 1, TP.HCM nhưng không được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.

Tương tự, ngày 30/1/2008, bà Mai thế chấp 2 căn nhà ở TP Đà Lạt để vay DAB 15 tỷ đồng nhưng cũng không làm thủ tục thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo.

Đến ngày 26/6/2008, bà Mai ký văn bản, đề nghị đổi tài sản đảm bảo từ tài sản cá nhân sang tài sản công ty bao gồm 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng 42.955 m2 đất tại Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, việc này không thông qua HĐQT Công ty. Cơ quan điều tra xác định, bà Mai đã sử dụng biên bản họp HĐQT có chữ ký giả của cổ đông. Do đó, các hợp đồng thế chấp không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, bà Mai còn ký hợp đồng tín dụng với DAB vào ngày 17/12/2008. Ngân hàng giải ngân 2 lần số tiền 42 tỷ đồng. Thực tế bà Mai đã thế chấp 2 nền đất biệt thự dự án để đảm bảo cho khoản vay này nhưng đây là tài sản do bị can phạm tội mà có.

Đến ngày 20/2/2009, DAB và Công ty An Phát tiếp tục ký hợp đồng cho vay 50 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 96 quyền sử dụng đất của Công ty An Phát. Nhưng trớ trêu là biên bản định giá, hợp đồng thế chấp lại được lập sau (tháng 3/2009). Tương tự, bà Mai cũng sử dụng biên bản họp HĐQT giả mạo. Số tiền vay được, bà Mai sử dụng trả lãi cho món vay trước.

Vào năm 2011, khi cổ đông phát giác việc Phan Thúy Mai dùng tài sản công ty vay vốn ngân hàng trái mục đích, bà Mai nhờ Công ty Tràng An đứng tên vay hộ số tiền 18 tỷ đồng, đảm bảo bằng 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát. Tuy nhiên, tài sản thế chấp đang xảy ra tranh chấp nên được xác định là khoản vay không có tài sản đảm bảo.

VKS cho rằng, bà Mai đã lợi dụng quan hệ thân thiết với ban giám đốc DAB, vận động những người này để chỉ đạo DAB chi nhánh Hà Nội, giải ngân nhanh, làm hồ sơ gấp để cho vay số tiền lớn. Trong số tiền vay, bà Mai sử dụng 108 tỷ đồng để bổ sung đầu tư dự án, còn lại trả nợ ngân hàng khác hoặc vay DAB khoản mới để trả nợ cũ tại chính DAB (đảo nợ).

Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 184 tỷ đồng.

Ký hợp đồng khống, che giấu thất thoát vàng

Theo cáo trạng, ngày 29/12/2008 DAB chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng cho Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng. Tài sản đảm bảo là 74 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty An Phát nhưng không có tài liệu thể hiện ý chí của ĐHĐCĐ, HĐQT công ty về việc đồng ý thế chấp tài sản để vay vàng. Hợp đồng thế chấp không làm thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo.

Kết quả điều tra xác định, hợp đồng vàng này là khống. Thực tế không có việc giải ngân vàng cho Công ty An Phát. Các hồ sơ tài liệu, chứng từ được lập chỉ là để hợp thức hóa theo yêu cầu của ông Trần Phương Bình, nhằm mục đích che giấu số vàng bị Bình làm thất thoát.

Tại cơ quan điều tra, ông Bình khai nhận chỉ đạo Xuyến tìm cách hợp thức hóa số vàng bị thất thoát bằng cách lập hồ sơ tín dụng và chứng từ khống vào thời điểm cuối năm, trước khi chốt sổ sách. Sau đó tiếp tục lập các chứng từ khống thu hồi vàng về để tránh tồn ảo tại các chi nhánh.

Quá trình điều tra cũng làm rõ, bà Mai thực hiện các chiêu trò để góp vốn ảo, chuyển nhượng cổ phần “ma” tại Công ty An Phát.

Theo kết luận kiểm toán, năm 2006, Công ty An Phát tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Trong đó, bà Mai góp vốn khống 27,9 tỷ đồng nhưng sau đó đã đem bán 33% phần vốn góp này bán cho người khác. Việc vay vốn tại DAB không được ĐHĐCĐ, HĐQT Công ty An Phát thông qua.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục