“Khách hàng là riêng, là duy nhất”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, các ngân hàng sẽ liên tục sáng tạo để trao quyền tự do theo đuổi chất riêng của khách hàng ngay trên chính ứng dụng ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng, có sự nhầm lẫn khi sử dụng thuật ngữ chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng Việt bởi hệ thống đang trong giai đoạn đầu tiên của số hóa, chứ chưa trong hành trình chuyển đổi số. Ông có bình luận gì?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Tôi nghĩ rằng, nhận định này có thể đúng cách đây vài năm với một số ngân hàng, nhưng không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Các ngân hàng hiện nay nhận thức rõ hiệu quả của chuyển đổi số đến kết quả kinh doanh, tiết giảm chi phí, gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Đặc biệt, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình số hóa ngành ngân hàng có sự bứt phá thần tốc.

Nhìn lại chính TPBank qua các năm gần đây, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào tất cả các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiền gửi), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm. TPBank đang sở hữu hệ sinh thái đa dạng, thiết lập việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ khác mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng trên không gian số.

Với các ngân hàng Việt Nam, có thể thấy, nhiều nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm… đã được số hóa toàn diện. Các ngân hàng chuyển đổi số tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. TPBank cũng đang dẫn đầu với tỷ lệ lên tới 95%.

Báo cáo của hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey tháng 10/2022 đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực, thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của các thị trường mới nổi.

Tư duy chuyển đổi số cũng đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quán triệt đến các ngân hàng và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ trên toàn hệ thống, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số toàn xã hội. Có thể thấy rằng, các ngân hàng Việt đã triển khai các chiến lược chuyển đổi số khá bài bản, từ chuyển đổi kênh giao dịch đến số hóa quy trình, áp dụng công nghệ mới cho những sản phẩm và dịch vụ, tạo ra các giá trị mới, đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Một thống kê của Tập đoàn FPT cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam có đến 70% doanh nghiệp số hóa thất bại. Với kinh nghiệm của mình, ông có thể cho biết thất bại này đến từ đâu?

Theo tôi, thất bại nằm ở việc các ngân hàng tuy đã số hóa được dữ liệu và quy trình, nhưng chưa khai thác dữ liệu một cách hiệu quả để ra quyết định dựa trên dữ liệu đó, hoặc tạo ra được phương thức kinh doanh mới, quy trình mới hay sản phẩm mới. Để làm được điều này, cần chiến lược triển khai đồng bộ và quyết liệt định hướng ra quyết định theo dữ liệu (Data Driven).

Lấy dẫn chứng tại TPBank, Ngân hàng đã xây dựng chiến lược và lộ trình quản lý, khai thác tài sản dữ liệu, chú trọng củng cố và xây dựng nền tảng hạ tầng về dữ liệu (Datawarehouse, Big Data, BI - công cụ phân tích kinh doanh thông minh) và xây dựng chính sách quản lý dữ liệu khoa học, hiệu quả. TPBank có quy trình quản trị dữ liệu, ban hành thống nhất quản lý toàn Ngân hàng, đưa ra những quy tắc về khai thác và tập trung, chia sẻ dữ liệu, đào tạo người dùng về các công cụ để khai thác dữ liệu hiệu quả, đồng thời giao chỉ tiêu, trách nhiệm quản lý và phân tích dữ liệu cho từng khối nghiệp vụ.

Ngân hàng sẽ cơ bản hoàn thành triển khai cơ sở dữ liệu theo chủ đề (DataMart) trong năm 2022, nhằm mục tiêu vận hành TPBank theo Data Driven, song hành với việc chuẩn hóa, kết nối nhanh chóng với đối tác, mở rộng hệ sinh thái (Ecosystem), triển khai hiệu quả mô hình Open Banking và tổ chức kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số (Digital Initiatives).

Các ngân hàng Việt đã triển khai các chiến lược chuyển đổi số khá bài bản

Các ngân hàng Việt đã triển khai các chiến lược chuyển đổi số khá bài bản

Như vậy, quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức?

Số hóa thất bại nằm ở việc các ngân hàng tuy đã số hóa được dữ liệu và quy trình, nhưng chưa khai thác dữ liệu một cách hiệu quả để ra quyết định dựa trên dữ liệu đó, hoặc tạo ra được phương thức kinh doanh mới, quy trình mới hay sản phẩm mới.

Đúng vậy, bởi có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống, logic nghiệp vụ phức tạp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu khung khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng... Giải pháp của chúng tôi là làm việc cùng các đối tác uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cũng như tham khảo các tư vấn về lộ trình, chiến lược dữ liệu với các tổ chức quốc tế. Ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm nhân tài, đồng thời chú trọng đào tạo nội bộ để có đủ nguồn lực triển khai nhanh chóng và đồng bộ.

Tại TPBank, mọi quyết định đưa ra đều dựa trên phân tích dữ liệu. Chúng tôi thu thập mọi nguồn thông tin trên tất cả các kênh, các phần mềm được triển khai theo hướng kết nối liên thông về dữ liệu để có được bức tranh toàn cảnh nhất về khách hàng. Khi có được đủ dữ liệu, chúng tôi sẽ lưu trữ một cách khoa học và tối ưu nhất để thuận tiện trong công việc tra cứu và phân tích, từ đó đưa ra các mô hình dữ liệu để có những thông tin, phân tích chuyên sâu theo từng mảng nghiệp vụ. Việc này giúp chúng tôi giải được nhiều bài toán, từ việc thiết kế sản phẩm, chiến lược kinh doanh cho đến quy trình vận hành, tối ưu chi phí…

Với yếu tố nền tảng về con người, quy trình và công nghệ đã thiết lập, ngay tại thời điểm hiện tại, TPBank đã xây dựng hơn 50 mô hình phân tích có thể ứng dụng ngay trong các quy trình, hoạt động hiện hữu. Trong giai đoạn 2023-2025, TPBank kỳ vọng số lượng mô hình phân tích tăng lên 150-300 mô hình, với phạm vi bao phủ toàn bộ các quy trình tác nghiệp của Ngân hàng.

Các chuyên gia cho biết, phần lớn ngân hàng Việt Nam đã và đang triển khai ngân hàng số ở mức độ 1 - số hoá thông tin, còn mức độ 2 - số hóa quy trình là rất hiếm và mức độ 3 - chuyển đổi số, nghĩa là số hóa toàn diện, vẫn chưa có ngân hàng nào được gọi tên. Được đánh giá là ngân hàng hiếm hoi trong hệ thống đã số hóa quy trình hoạt động, TPBank lập trình kế hoạch như thế nào để tiến gần hơn đến mức độ 3?

Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số toàn diện (từ dịch vụ khách hàng đến quản trị doanh nghiệp), hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu để triển khai các dự án nền tảng số đa kênh an toàn, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, có quy trình linh hoạt nhằm phù hợp với định hướng phát triển và mở rộng trong tương lai, tập trung xây dựng thiết kế những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; ứng dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa hoạt động, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số…

Quá trình chuyển đổi số cũng đã diễn ra hết sức mạnh mẽ trong nội bộ Ngân hàng. TPBank đã triển khai số hóa và tự động hóa 500+ quy trình, sản phẩm - dịch vụ ở tất cả mảng nghiệp vụ, tập trung hướng khách hàng tới mô hình vận hành số hóa toàn diện, giảm thiểu tương tác tại các điểm vật lý; ứng dụng 450+ robot cho Tự động hóa (RPA) và Nhận dạng ký (OCR), Quản lý quy trình nghiệp vụ (BPM), Quản lý nội dung doanh nghiệp (ECM)… trong giao dịch, phê duyệt online hướng đến văn phòng không giấy (paperless) cho 90% hoạt động vận hành. Nhờ triển khai tự động hóa và số hóa, Ngân hàng giảm được 30-40% nhân sự, tiết kiệm 60% thời gian giải ngân khoản vay, 30-60% thời gian giao dịch tại quầy.

TPBank cũng là ngân hàng tiên phong kết hợp với các công ty Fintech để mở rộng hệ sinh thái trên nền tảng Open Banking, cung cấp nền tảng cho các đối tác Fintech và là một trong các ngân hàng đầu tiên áp dụng eKYC đồng bộ trên các kênh, ứng dụng chuyển tiền qua blockchain, triển khai trí thông minh nhân tạo (AI) với chatbot, phục vụ việc tương tác hỗ trợ khách hàng 24/7.

TPBank hiểu rằng, việc thay đổi tư duy con người là “chìa khóa” của chuyển đổi số thành công. Việc định hướng chuyển đổi số - sáng tạo số đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa, thấm nhuần đến toàn bộ nhân viên. Chúng tôi chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách đến từng khối nghiệp vụ, triển khai theo chiến lược tổng thể, đồng bộ; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận cơ hội công việc mới trong thời đại mới.

Hiện nay, TPBank đã bước vào giai đoạn chuyển đổi số thứ 2 - giai đoạn đổi mới số hay sáng tạo số. Giờ đây, tất cả các hoạt động của Ngân hàng đều được đặt trong mục tiêu sáng tạo số và điều này đã thấm nhuần trong mọi cá nhân, trở thành tư duy hành động, hoạt động thường nhật của toàn hệ thống TPBank.

Đây chính là nền tảng vững chắc cho TPBank thực hiện chiến lược đổi mới số, kiến tạo từng khoảnh khắc ngân hàng khác biệt, cá nhân hóa cho các công dân số thời đại 4.0. Có thể nói, đổi mới số là động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn tới, hướng tới là ngân hàng số 1 về sáng tạo - đột phá kinh doanh số.

Số hóa trong hệ thống ngân hàng đã là xu hướng không thể đảo ngược. Là ngân hàng tiên phong xu hướng số hóa chắc chắn sẽ có không ít thuận lợi, nhưng thách thức cũng đi kèm trong việc dẫn đầu xu hướng này. TPBank tiếp tục tạo nên sự khác biệt của mình như thế nào trong xu hướng này?

Đầu tiên phải khẳng định rằng, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là chiến lược sống còn với TPBank. Cho đến nay, TPBank là ngân hàng có đội ngũ nhân sự đổi mới số chuyên nghiệp, có cơ sở hạ tầng hiện đại với các giải pháp công nghệ tiên tiến hàng đầu tại Việt Nam theo 4 nguyên tắc “Đơn giản hóa - Tự động hóa - Sử dụng trí tuệ nhân tạo - Đảm bảo an ninh bảo mật”.

Ở TPBank, công cuộc sáng tạo số không chỉ là nhiệm vụ của khối công nghệ, mà từng cá nhân đều là nhân tố để đưa ra các sáng kiến về đổi mới số. Họ chính là chuyên gia và người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ nhất vấn đề và cần giải pháp như thế nào. Chúng tôi xây dựng văn hoá sáng tạo, cởi mở và nuôi dưỡng các ý tưởng.

TPBank trang bị nền tảng kiến thức về chuyển đổi số một cách phổ cập cho toàn thể cán bộ, nhân viên: Lấy sự phát triển bền vững làm nền tảng. Chúng tôi tin rằng, việc đào tạo - xây dựng đội ngũ để đưa sự phát triển của từng cá nhân song hành với sự đi lên của tổ chức mới là con đường bền vững nhất, đặc biệt trong hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ như thế này. Thông qua việc thúc đẩy đổi mới số như trách nhiệm của mỗi cá nhân - tất cả cá nhân thuộc TPBank, kể cả các lãnh đạo cấp cao tới nhân viên đều có một phần KPI về đổi mới số (từ 10-15%) tùy cấp bậc.

Con người, quốc gia, cộng đồng - 3 nhân tố này phải cùng phát triển với TPBank thì chúng tôi mới tồn tại dài lâu. Có thể nói đây, đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của TPBank trong xu hướng chuyển đổi số liên tục và mạnh mẽ hiện tại cũng như trong tương lai.

Cuối cùng, bên cạnh các giá trị tạo ra cho tổ chức và từng cá nhân tại TPBank, một câu hỏi lớn cũng là một trách nhiệm mà các lãnh đạo TPBank luôn trăn trở: TPBank sẽ làm gì để ngành tài chính Việt Nam trở nên ưu tú nhất trong khu vực?

Giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi luôn nỗ lực để công nghệ mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng và xã hội. Một mặt, các sản phẩm - tính năng hướng đến nhu cầu của giới trẻ, dành cho giới trẻ. Một quốc gia nơi có sự thịnh vượng được bắt đầu từ giới trẻ - khi các bạn biết cách tiết kiệm, đầu tư và điều hướng tài chính một cách sáng tạo. Mặt khác, chúng tôi luôn nỗ lực để giảm chi phí giao dịch cho khách hàng, giảm chi phí đi lại, chờ đợi và thông qua đó góp phần bảo vệ môi trường, xã hội.

Ở một tầm nhìn rộng hơn nữa, giá trị cộng đồng cũng là điều TPBank hướng tới. Khi chúng tôi đầu tư vào các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nhân viên của mình, chúng tôi không chỉ coi đó là đầu tư cho TPBank nói riêng, mà nhìn rộng hơn, chúng tôi mong muốn đó là nguồn tri thức tương lai cho toàn ngành tài chính Việt Nam.

Đổi mới số với TPBank được xác định là một quá trình dài, do vậy cần một chiến lược tổng thể. TPBank hiểu khách hàng là riêng, là duy nhất. Vì thế, Ngân hàng sẽ liên tục sáng tạo để trao quyền tự do theo đuổi chất riêng của mình ngay trên chính ứng dụng TPBank, giúp việc giao dịch trở nên thú vị hơn, mang đậm dấu ấn cá nhân và sát với nhu cầu của các khách hàng.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục