Chuyển đổi số tại các công ty tài chính: Vẫn vướng mắc từ văn bản pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại cuộc họp sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2021 của nhóm công ty tài chính do Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, đại diện FE Credit đề nghị, NHNN ban hành khung pháp lý riêng cho các giao dịch điện tử. 
Chuyển đổi số tại các công ty tài chính: Vẫn vướng mắc từ văn bản pháp lý

Cùng liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, từ phía Shinhan Finance cho rằng, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công ty tài chính, cũng như có hành lang pháp lý cụ thể về chuyển đổi số, eKYC…

Liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ, SHB Finance kiến nghị, trong năm 2022, NHNN cần cho các công ty tài chính chủ động cũng như cho phép thời hạn cơ cấu nợ dài hơn, không chỉ gói gọn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, NHNN cũng nên xem xét giãn lộ trình trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho các khoản cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 để các công ty tài chính có nội lực, đủ năng lực về tài chính, có khả năng huy động vốn, tăng vốn điều lệ tiếp tục duy trì cho vay ra thị trường.

Đại diện VietCredit cũng đề xuất, khi đưa ra các chính sách, NHNN hãy xem các công ty tài chính có các đặc thù riêng, phương thức hoạt động riêng… để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho các công ty tài chính.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Lotte Finance mong muốn, Hiệp hội Ngân hàng sẽ chuyển đến lãnh đạo NHNN những giải pháp, chính sách để hỗ trợ các công ty tài chính có được hoạt động phong phú, đa dạng, tăng mức độ cạnh tranh.

Ghi nhận những kiến nghị của các công ty tài chính, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Hiệp hội sẽ báo cáo lên lãnh đạo NHNN để từ đó có những chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chỉnh sửa phù hợp với thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty tài chính.

Đồng thời, ông Hùng cũng đánh giá cao nỗ lực của các công ty tài chính trong việc khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, các công ty đã nỗ lực phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, phù hợp hướng đến những đối tượng mục tiêu là khách hàng thu nhập trung bình thấp, có thu nhập biến động và chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, tạo ra những sản phẩm tài chính toàn diện, tiếp cận sâu rộng đến khách hàng ở địa bàn xa, với mức lãi suất hợp lý kèm những tiện ích phục vụ hiện đại.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (Digital Lending), tận dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm. Đối với những sản phẩm có nợ quá hạn/nợ xấu cao sẽ được rà soát và điều chỉnh điều kiện sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định. Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng trước cho vay đối với đội ngũ nhân viên kinh doanh.

Liên quan đến công tác quản trị rủi ro, các công ty đã triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ nhóm 2, nợ xấu phát sinh thông qua việc rà soát chính sách sản phẩm, kiểm soát chất lượng nợ theo cơ cấu sản phẩm/vùng miền/kênh bán để kịp thời có giải pháp điều chỉnh tổng thể danh mục; Áp dụng các chiến thuật thu hồi nợ linh hoạt theo từng thời kỳ giúp kiểm soát tỷ lệ chuyển nợ quá hạn của khách hàng ngay từ giai đoạn thu hồi nợ sớm.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định khách hàng, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng bằng cách thẩm định dựa trên các nguồn thông tin khách hàng cung cấp; việc tăng cường bổ trợ thêm các nguồn thông tin từ các kênh thay thế, tăng cường hệ thống hóa và tự động hóa (tự động xác minh địa chỉ khách hàng; tự động xác minh số điện thoại tham chiếu; tiếp tục hoàn thiện các mô hình thẩm định tương ứng với chiến lược tiếp cận khách hàng trên nền tảng số (Digital Lending) và hoạt động thẻ tín dụng.

Đối với công tác thu hồi nợ, theo ông Hùng, các công ty đã tập trung điều chỉnh cách thức tác nghiệp, chính sách phân bổ chỉ tiêu, bổ sung nhân sự cho thu nợ địa bàn, ban hành các chương trình thi đua... nhằm nâng cao năng suất thu nợ và cải thiện nợ xấu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động thu hồi nợ địa bàn (thông qua Mobile Apps Collection) giúp cải thiện năng suất và hiệu quả thu hồi.

Tại Hội nghị, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHBF đề xuất thành lập Câu lạc bộ các công ty tài chính tiêu dùng trong Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo bà Vy, hiện nay, Hiệp hội đã có 12 thành viên tham gia nhưng chưa có một tổ chức thống nhất để nói tiếng nói chung. Do đó, cần có câu lạc bộ tập trung các thành viên là công ty tài chính có thể kết nối chia sẻ thông tin, ý kiến đề xuất và hạn chế việc cạnh tranh trong nội bộ ngành.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục