Các nhà nghiên cứu cho biết một loại vắcxin tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển cho kết quả đầy hứa hẹn trong các đợt thử nghiệm ở khỉ, tạo ra các kháng thể và không gặp vấn đề về độ an toàn.
Đợt thử nghiệm vắcxin này ở 1.000 người đang được thực hiện.
Trong bài viết đăng trên mạng tạp chí y khoa Cell ngày 6/6, các nhà nghiên cứu cho biết vắcxin thử nghiệm mang tên BBIBP-CorV có các kháng thể có khả năng ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập các tế bào ở khỉ, chuột, lợn và thỏ.
Bên cạnh đó, BBIBP-CorV dường như không gây ra hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc vào kháng thể (ADE).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý điều này không có nghĩa là ADE sẽ không xảy ra trong các cuộc thử nghiệm vắcxin này ở người.
Vắcxin BBIBP-CorV, do Viện sản phẩm sinh học Bắc Kinh liên kết với Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), là một trong 5 vắcxin mà Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm ở người.
Sinopharm đã đầu tư 1 tỷ Nhân dân tệ (141,40 triệu USD) vào các dự án điều chế vắcxin.
Ngoài BBIBP-CorV, Sinopharm đang thử nghiệm ở người một vắcxin tiềm năng khác do một cơ sở nghiên cứu của tập đoàn này phát triển.
Trong chương trình truyền hình phát trên sóng Rai 3, ông Walter Ricciardi, thành viên của Ủy ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) và là Cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italy cho biết châu Âu đang đi đầu trong công cuộc phát triển vắcxin ngừa COVID-19 và các kết quả nghiên cứu hiện nay có thể giúp cho ra đời liều vắcxin đầu tiên vào mùa Thu Đông năm nay.
Ông Ricciardi cho biết vắcxin mới, một dự án hợp tác giữa Đại học Oxford của Anh và công ty tư nhân Advent-IRBM có trụ sở tại Pomezia (Italy), sẽ được sản xuất một phần tại Italy.
Việc thử nghiệm vắcxin mới đang có những tiến triển rõ rệt và nếu mọi việc suôn sẻ, liều vắcxin đầu tiên tại châu Âu cũng như tại Italy có thể sớm được sản xuất.
Nhóm nghiên cứu thông báo bắt đầu thử nghiệm vắcxin ở người vào cuối tháng 4 tại Anh. Khi đó, Advent-IRBM cho rằng nếu thành công, loại vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 này có thể được sử dụng ở người từ tháng 9 tới.