Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngành logistics như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris lên nắm quyền tổng thống Mỹ đều sẽ phản ánh lên hoạt động logistics toàn cầu, do đó các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, xây dựng kịch bản thích ứng với mọi biến động từ chính trị đến biến đổi khí hậu...

Tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM sáng 31/10, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, hiện nay, cả thế giới đều quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump từng là Tổng thống Mỹ nên chúng ta có thể thấy phong cách điều hành khác nhau giữa hai giai đoạn của ông Trump và ông Joe Biden hiện nay.

Dưới thời ông Trump, thương mại có thể coi là hiếu chiến khi ông thực hiện một loạt hoạt động như đe doạ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tạo thương chiến với Trung Quốc, nâng thuế với một loạt đồng minh của Mỹ, tức đảo ngược trật tự thương mại và tạo ra cú sốc cho thương mại quốc tế. Tuy nhiên về mặt chính trị, ông Trump khá ôn hoà, trong thời kỳ của ông không có các cuộc chiến lớn.

Còn dưới thời Tổng thống Biden, hoạt động thương mại có phần ôn hoà hơn. Khi lên nắm quyền ông đã tiếp tục các chính sách từ thời ông Trump mà không có thay đổi lớn nào theo hướng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, về mặt chính trị, dưới thời Biden đã có những cuộc xung đột chính trị như Nga - Ukraine hay Trung Đông.

Hai hình thái này đều có tác động đến dòng chảy thương mại và hoạt động logistics toàn cầu. Các nhà phân tích đang trông chờ và đưa ra các kịch bản khác nhau. Nếu ông Trump thắng cử, một mặt, ông có thể nâng thuế nhập khẩu hàng loạt, đẩy chi phí hàng hoá vào Hoa Kỳ gia tăng, mặt khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm lạm phát gia tăng và khiến nỗ lực giảm lãi suất bị chặn đứng lại, tạo hệ quả khác cho hoạt động thương mại toàn cầu.

Còn nếu bà Kamala Harris lên nắm quyền, cơ bản bà vẫn sẽ theo đuổi chính sách như ông Biden đang làm, chỉ tập trung đánh thuế vào một số mặt hàng chọn lọc, không tăng thuế nhập khẩu với tất cả các mặt hàng thì thương mại có thể có thể giữ được nhịp độ như hiện nay. Tất cả những điều này đều phản ánh lên hoạt động logistics.

“Bên cạnh các vấn đề chính trị, bầu cử, còn các yếu tố khác như thiên tai, biến đổi khí hậu…, các doanh nghiệp cũng nên có những nhận định, đánh giá trên cơ sở tham khảo các tổ chức, nhà phân tích để có kịch bản thích ứng trong biến động, các phương án đó cũng sẽ có sức chống chịu vượt qua thách thức này”, ông Hải nhận định.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương (Ảnh: Lê Toàn)

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương (Ảnh: Lê Toàn)

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ chia sẻ thêm, có 2 điều chúng ta cần chuẩn bị nhanh và ngay tức thì.

Thứ nhất, với các doanh nghiệp, phải xem xét các yếu tố biến động không chắc chắn trong tương lai. Doanh nghiệp có thể là chủ thể tiếp nhận biến động hoặc trở thành người tạo ra biến động này. Bất kể đóng vai trò nào thì các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị kỹ càng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý tới những thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sự thay đổi chính sách của cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, hay những bất ổn chính trị... Nói chung, theo ông Yap Kwong Weng, doanh nghiệp cần chuẩn bị tất cả các kịch bản để tránh tình trạng bị động như năm 2018, khi thương chiến Trung Quốc - Mỹ xảy ra đã làm tổn thất cả tỷ USD.

Thứ hai, về phía Chính phủ, cần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam, có nghĩa làm sao để thu hút được nhiều đầu tư hơn, mặc dù đang đối mặt với tình huống bất ổn của thế giới, nhưng đây cũng là khó khăn chung của toàn bộ thế giới. Việt Nam cần xem ưu đãi thuế như thế nào, ưu đãi đất đai hay đưa ra lộ trình nhanh chóng hơn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến Việt Nam.

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ (Ảnh: Lê Toàn)

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ (Ảnh: Lê Toàn)

Với lĩnh vực cụ thể là logistics, theo ông Yap Kwong Weng, Việt Nam cần bổ sung nhiều nguồn lực và tháo gỡ những rào cản còn tồn tại càng sớm càng tốt để tăng năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Hiện chi phí logistics của Việt nam lên đến 18%, là mức khá cao trong khu vực, do đó cần làm sao để kéo xuống 10%, thậm chí 5% thì các doanh nghiệp sẽ muốn đến Việt Nam kinh doanh.

"Trong ngành logistics, giá và hiệu quả logistics rất quan trọng, vì vậy chúng ta cần nỗ lực phối hợp liên ngành giữa các bộ ban ngành và giữa nhà nước với tư nhân... Hiện nay, Việt Nam có lộ trình tăng trưởng rất tốt, nên tôi mong muốn chúng ta hãy nắm lấy cơ hội này", ông Yap Kwong Weng nhấn mạnh.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục