Việt Nam đang dẫn đầu sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căng thẳng địa chính trị dẫn đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Lê Toàn) Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Lê Toàn)

Trình bày bài tham luận tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 sáng ngày 31/10 với chủ đề "Tương lai của ngành logistics Việt Nam: Thích ứng và phát triển trong bối cảnh toàn cầu", TS. Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™ đánh giá, trong bối cảnh toàn cầu hiện tại, Đông Nam Á đang nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp đang tìm đến ASEAN để đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước bối cảnh gián đoạn thương mại và nhiều bất ổn gia tăng. Dòng vốn FDI đổ vào 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN đã lên đến 236 tỷ USD so với mức trung bình giai đoạn 2020 – 2022 chỉ ở ngưỡng 190 tỷ USD.

“Sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu khiến Đông Nam Á trở thành trung tâm chủ lực cho sản xuất và logistics”, TS. Yap Kwong Weng đánh giá.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang dẫn đầu sự dịch chuyển của dòng chảy sản xuất và thương mại. Tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á đến một số khu vực.

Là nước xuất khẩu lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, từ 320 tỷ USD vào năm 2019 lên 440 tỷ USD vào năm 2023, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,2%.

Sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể vào ngành sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Với ngành logistics, nếu như hệ thống không vận hành đúng đắn thì các phần trong hệ kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhìn chung, TS. Yap Kwong Weng nhận thấy, sự chuyển dịch vốn FDI vào Đông Nam Á cho thấy vai trò quan trọng, mang tính chiến lược của các quốc gia này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ logistics, điều này mang lại cơ hội để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics.

Mặc dù đã có nhiều khoản đầu tư lớn được thực hiện hoặc dự kiến thực hiện, nhưng nghiên cứu cho thấy nếu hoạt động thương mại tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại, cần khoảng 60 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ASEAN để có thể đáp ứng sự tăng trưởng thương mại.

“Cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics”, ông Yap Kwong Weng nói.

Khi kinh doanh ở Việt Nam, khả năng bền vững của khí hậu sẽ cho Việt Nam một cơ hội rất tốt về lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cần phải trỗi dậy củng cố năng lực của mình trong việc triển khai vận hành theo chuỗi cung ứng quốc tế.

Đồng thời, phải xem xét vấn đề chuyển giao công nghệ như robot, AI cho thị trường Việt Nam. Không những thế, SuperPort™còn mong muốn đồng kiến tạo những công nghệ giải pháp, sân chơi mới về logistics…

"Chúng tôi làm tất cả những việc này để nâng tầm logistics tại Việt Nam. Sân chơi này không thể chơi một mình nên chúng tôi sẵn lòng hợp tác và cần sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp", đại diện SuperPort™ khẳng định.

Với khối lượng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, các cảng SuperPort™ được đặt tại các vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực, cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng kết nối liền mạch đến hành lang Trung Quốc-ASEAN đang phát triển.

Điều này dẫn đến thời gian giao hàng nhanh hơn, đáng tin cậy hơn, giảm tình trạng tắc nghẽn và nâng cao hiệu quả tổng thể của chuỗi cung ứng.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục