Tòa phúc thẩm tại bang Missouri của Mỹ đã tán thành phán quyết được đưa ra trước đó của tòa cấp dưới khi kết luận bột talc được sử dụng trong các sản phẩm của Johnson&Johnson (J&J) gây ung thư buồng trứng, song giảm mức bồi thường xuống hơn một nửa so với mức yêu cầu ban đầu.
Trong phán quyết ra ngày 23/6, tòa trên đã bác đơn kháng cáo của J&J về việc hủy bản án buộc hãng bồi thường cho các nữ khách hàng trước đó cáo buộc các loại phấn rôm trẻ em và một số sản phẩm chứa bột talc khác gây ung thư buồng trứng.
Tòa yêu cầu hãng sản xuất phấn dùng cho cơ thể hằng đầu thế giới này bồi thường 2,12 tỷ USD cho bên nguyên, giảm hơn một nửa so với con số 4,69 tỷ USD được đưa ra trong phán quyết tháng 7/2018.
Quyết định này được đưa ra sau khi tòa nhất trí bác cáo buộc của một số đương đơn trong số 22 phụ nữ và gia đình của họ đâm đơn kiện vì những người này đến từ các khu vực khác ngoài bang Missouri.
Song song với đó, tòa cũng cho rằng một số đương đơn đã chứng minh được rằng trong hàng chục năm, J&J cùng một chi nhánh trực thuộc đã che giấu việc các sản phẩm bột talc có chứa chất a-mi-ăng, cũng như luôn tìm mọi cách để đảm bảo các xét nghiệm không phát hiện ra a-mi-ăng trong tất cả các mẫu bột talc, và đăng tải các bài báo nhằm giảm nhẹ tác hại của bột talc.
Phán quyết của tòa nhấn mạnh không thể đặt giá trị đồng tiền lên trên những thiệt hại về vật chất, tinh thần cũng như nỗi đau đớn mà các đương đơn phải gánh chịu.
Về phần mình, J&J cho biết sẽ kháng cáo đối với bản án mới nhất. Người phát ngôn của J&J Kim Montagnino cho rằng "đây là một phiên xét xử có sai sót cơ bản" và khẳng định bột talc hoàn toàn an toàn, không chứa a-mi-ăng và không gây ung thư.
Bột talc dưới dạng đá tự nhiên có chứa a-mi-ăng, là chất có thể gây ung thư. Loại bột này được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm như phấn rôm trẻ em, phấn phủ cơ thể và mặt ở người lớn, do khả năng hút ẩm, giúp giữ làn da khô ráo, mỏng mịn và mềm mại.
Kể từ năm 2013, đã có hàng nghìn vụ kiện liên quan đến bệnh ung thư đối với J&J.
Tháng trước, J&J thông báo ngừng bán phấn rôm trẻ em có thành phần bột talc tại thị trường Mỹ và Canada, khiến doanh thu sụt giảm và phản ứng tiêu cực của người dùng.
Hiện J&J có trụ sở ở bang New Jersey đang đối mặt với hơn 19.000 vụ kiện cáo buộc các sản phẩm có chứa bột talc gây ung thư do bị nhiễm a-mi-ăng.
Năm ngoái, khi phân tích thành phần của 52 mẫu mỹ phẩm có chứa bột talc, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phát hiện 9 mẫu trong số này có sự hiện diện của a-mi-ăng.
Các sản phẩm này sau đó đã được các hãng sản xuất tự nguyện thu hồi. Năm nay, FDA đang phân tích thêm 50 mẫu sản phẩm khác và đang xem xét xây dựng tiêu chuẩn xét nghiệm amiăng.