Janet Yellen tự hào và áp lực

(ĐTCK) Janet Yellen sẽ trở thành một trong những nhà tạo lập chính sách kinh tế quyền lực nhất thế giới trong tháng tới.

Janet Yellen tự hào và áp lực
Janet Yellen sẽ nắm quyền chỉ huy Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thời điểm ngân hàng trung ương này đang đi những bước chưa từng có tiền lệ để cứu nền kinh tế Mỹ.

Người phụ nữ 67 tuổi này sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt ngân hàng trung ương Mỹ trong lịch sử 100 năm, sau khi Thượng nghị viện bỏ phiếu chấp thuận bà vào tối Thứ Hai tuần này, với tỷ lệ đồng ý - phản đối là 56 - 26. 11 đảng viên Đảng Cộng hòa cùng với 45 đảng viên Đảng Dân chủ đã cùng ủng hộ Yellen, không có thành viên nào của Đảng Dân chủ phản đối bà.

Dự kiến sẽ nhậm chức vào đầu tháng 2 tới, bà Yellen đương nhiên sẽ phải đối mặt với hoàng loạt câu hỏi về việc: Liệu nền kinh tế đang trong giai đoạn bình phục hiện nay có thể chống chịu được các đợt điều chỉnh thu hẹp chương trình mua trái phiếu của Fed hay không? Nếu Fed điều chỉnh quá nhanh, đà phục hồi kinh tế có thể sẽ bị hãm lại. Nếu cơ quan này điều chỉnh quá chậm, hậu quả rất có thể là bong bóng tài sản hoặc lạm phát quá cao. Fed đã viện dẫn các con số cải thiện tăng trưởng và việc làm của tháng 12/2013 khi cơ quan này quyết định cắt giảm việc mua trái phiếu từ 85 tỷ USD/tháng xuống còn 75 tỷ USD/tháng.

Các nghị sĩ Đảng Dân chủ hôm thứ Hai nói rằng họ kỳ vọng Yellen sẽ duy trì sự thận trọng đối với hệ thống tài chính, để tránh những hệ quả có thể đưa đất nước đến một cuộc suy thoái sâu.

“Quan trọng hơn tất thảy là chúng ta có những nhà quản lý mạnh như Chủ tịch Yellen, người có thể nhận ra những nguy cơ nổi lên đối với sự ổn định kinh tế”, nghị sĩ Sherrod Brown của Ohio phát biểu hôm thứ Hai, “Bằng việc bỏ phiếu cho bà, chúng ta có thể mong chờ một kỷ nguyên mới cho sự hồi phục và tăng trưởng”.

Nhưng Yellen sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng việc đối mặt với sự hoài nghi của các Đảng viên Đảng Cộng hòa, trong đó, rất nhiều người đã bày tỏ nỗi lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn trong các chương trình mua lại trái phiếu của Fed và nhấn mạnh rằng cần nhiều hơn nữa sự giám sát đối với các quyết sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.

“Ở vai trò Chủ tịch, bà ấy có vẻ như đang tiếp tục thực thi những chính sách nới lỏng tiền tệ với mức độ ngang với người tiền nhiệm, nếu không muốn nói là còn mạnh hơn”, nghị sĩ Charles Grassley của bang Iowa bày tỏ sự phản đối với Yellen.

Sự thăng tiến của Yellen lên vị trí đứng đầu của Fed diễn ra sau những cuộc đấu đá gay gắt một cách bất thường trong năm ngoái, khi mà Đảng Dân chủ tạo sức ép buộc Tổng thống Barack Obama phải thay Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers. Sau cuộc lật đổ Summers, Đảng Dân chủ nhanh chúng quy tụ quanh Yellen, biểu dương cho những thành tích của bà tại Fed.

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, các cuộc tranh luận giữa các thượng nghị sĩ về các quyết định bổ nhiệm của Fed ngày càng trở nên căng thẳng, bộc lộ rõ sự bất đồng xung quanh các chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương nhằm cứu nền kinh tế Mỹ. Ba mươi nhà tạo lập chính sách đã từng phản đối quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ben Bernake trong nhiệm kỳ thứ hai.

Theo kế hoạch, Bernanke sẽ chủ trì cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 28 và 29 tháng này. Ngày cuối cùng của ông trên cương vị Chủ tịch Fed là ngày 31. Yellen được cho là sẽ nhậm chức vào 1/2 và bắt đầu chủ trì các cuộc họp chính sách từ tháng 3.

Yellen sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, trong đó có việc thu hẹp các chính sách nới lỏng tiền tệ khi nền kinh tế cải thiện, tạo sự đồng thuận giữa những nhà tạo lập chính sách ương ngạnh, rèn giũa kỹ năng truyền thông của bà và đảm bảo thông tin đầy đủ về các chính sách của mình cho một Quốc hội đang bị chia rẽ.

 

Hồ sơ của Yellen

Janet Louise Yellen sinh ngày 13/8/1946 trong một gia đình gốc Do Thái ở New York. Cha bà là một bác sĩ. Bà tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế của Trường Pembroke College thuộc Đại học Brown University năm 1967 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Yale University năm 1971.

Yellen kết hôn với George Akerlof, một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel và là giáo sư danh dự của Đại học Warwick. Bản thân Yellen từng giảng dạy tại trường Harvard từ năm 1971 đến 1976 và là nhà kinh tế công tác trong Ban Thống đốc của Fed trong giai đoạn 1977 - 1978. Từ năm 1980, Yellen bắt đầu nghiên cứu ở Trường Haas School và giảng dạy về kinh tế vĩ mô. Bà đã hai lần đạt giải thưởng về giảng dạy tại trường này.

Năm 1994, Yellen được bổ nhiệm làm thành viên Ban Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên Bang (Federal Reserve System) và từ năm 1997 -1999, bà làm việc trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton.

Từ 14/6/2004 cho đến năm 2010, Yellen là Chủ tịch và CEO của Ngân hàng Dự trữ liên bang tại San Francisco. Sau khi được bổ nhiệm năm 2004, bà đã phát biểu về lo ngại hậu quả có thể xảy ra do cuộc bùng nổ giá nhà ở.

Hải Linh (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục