Như vậy, Israel có thể là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19.
Trong tuyên bố, Ủy ban chuyên gia về đại dịch của Israel nêu rõ những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế sẽ là những đối tượng đầu tiên đủ điều kiện tiêm mũi vaccine thứ 4. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết quyết định trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, trong bối cảnh ngày 21/12 quốc gia Trung Đông này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, với 1.306 ca. Tuy nhiên, số ca mắc mới này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi đầu tháng 9 vừa qua, theo đó, mỗi ngày Israel ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa COVID-19. Đầu tháng này, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer Albert Bourla cho rằng có thể cần mũi tiêm thứ 4, vì nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể Omciron. Một nghiên cứu được thực hiện ở Israel và công bố hồi tháng 10 trên tạp chí The Lancet cho thấy những người tiêm mũi thứ 3 vaccine được bảo vệ tốt hơn so với những người tiêm 2 mũi.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế LB Nga, ông Mikhail Murashko, cho rằng cần điều chỉnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu tại một cuộc họp của giới chuyên gia, ông Murashko cho biết số trẻ em nhiễm biến thể Omicron và phải điều trị trong bệnh viện đã tăng gấp khoảng 2,5 lần và vẫn có những trường hợp tái nhiễm.
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt lịch tiêm chủng quốc gia, trong đó có lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, các đối tượng được xếp vào mức ưu tiên đầu tiên là những người bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 gồm: công dân từ 60 tuổi trở lên; người lớn tuổi làm việc trong ngành y, giáo dục và xã hội; người mắc các bệnh mạn tính, người dân các thành phố có dân số từ 1 triệu người trở lên. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi phải được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Hiện hơn 76,5 triệu người Nga đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và hơn 70,8 triệu người đã tiêm đủ liều.
Trong khi đó, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh học mang tên Gamaleya của Nga cho biết những người đã được tiêm nhắc lại vaccine Sputnik V có kháng thể trung hòa đối với biển thể Omicron. Hơn nữa, mức độ kháng thể trung hòa với Omicron trong huyết thanh của người đã tiêm mũi tăng cường cao hơn một chút so với mức độ kháng thể đối với biến thể Delta. Trước đó, trung tâm này thông báo vaccine Sputnik V tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa ổn định đối với biến thể Omicron và bảo vệ người bệnh khỏi các triệu chứng nặng hoặc phải nhập viện. Hiệu quả bảo vệ của việc tiêm mũi đầu là vaccine Sputnik V và tiêm nhắc lại bằng vaccine Sputnik Light đối với biến thể mới này được kỳ vọng có thể đạt hơn 80%.
*Tại Panama, một ngày sau khi ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, nhà chức trách nước này đã quyết định đẩy nhanh việc triển khai tiêm mũi tăng cường. Theo Tổng thống Laurentino Cortizo, nước này sẽ tiêm mũi tăng cường trong vòng 3 tháng, thay vì 6 tháng như đã lên kế hoạch. Ông Cortizo cũng khẳng định hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ mạng sống.
Panama sẽ dùng vaccine của Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho dù trước đó người dân đã tiêm vaccine cùng loại hay vaccine của AstraZeneca. Đến nay, 90% dân số Panama đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 80% đã tiêm 2 mũi.