IPO gắn với cơ hội đổi chủ tại doanh nghiệp

(ĐTCK) Thị trường đang trông đợi các phương án IPO mới, trong đó cổ đông nhà nước không nắm giữ cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối.
IPO gắn với cơ hội đổi chủ tại doanh nghiệp

Chờ đột phá trong tư duy về CPH

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi CPH DNNN, được nêu tại Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là huy động vốn của các NĐT trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu trên, CPH được xem như cuộc “thay máu”, để giúp DN “lột xác” hậu CPH. Thế nhưng, với cách cổ đông nhà nước nắm cổ phần lên đến 80 - 90% tại nhiều DN hậu CPH như đang diễn ra, trong khi các DN này hoạt động trong các lĩnh vực mà theo quy định mới nhất là Nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối, thì rất khó đạt mục tiêu giúp DN “lột xác”.

Trước thực trạng trên, giới đầu tư cho rằng, để tạo đột phá trong thu hút NĐT tham gia các đợt IPO, thị trường đang trông đợi có thêm các phương án IPO mới, mà trong đó cổ đông nhà nước không nắm giữ cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối, để mở ra cơ hội cho NĐT thay cổ đông nhà nước làm chủ DN hậu CPH. Dĩ nhiên, đây phải là các DN có tình hình tài chính lành mạnh; kinh doanh hiệu quả; tiềm năng phát triển; cổ phiếu IPO được định giá hợp lý, minh bạch…

Theo luật chơi thị trường, khi NĐT được làm chủ đồng vốn tại DN thì mới tạo động lực để DN thay đổi quản trị và hoạt động, chứ nếu họ vẫn chịu chi phối bởi cái bóng quá lớn của cổ đông nhà nước, sẽ khó cải thiện sức cầu cho các đợt IPO diễn ra dày đặc, bình quân mỗi ngày một DN IPO như hiện nay.

Với các quy định mới tại Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, có hiệu lực từ 6/8/2014, thị trường kỳ vọng, IPO gắn liền với việc mở ra cơ hội đổi chủ tại các DN hậu CPH sẽ được thúc đẩy, bởi theo quy định mới, rất nhiều lĩnh vực cổ đông nhà nước không cần nắm cổ phần như: vật liệu xây dựng, bất động sản, du lịch, dệt may…

Từ hành lang pháp lý quan trọng này, giới đầu tư chờ đợi tới đây sẽ xuất hiện nhiều hơn các phương án CPH mà cổ đông nhà nước không nắm, hoặc chỉ nắm cổ phần không chi phối tại DN hậu CPH. Khi điều này được hiện thực hóa, sẽ góp phần “chống ế” cho cổ phiếu IPO vốn đang diễn ra phổ biến, làm chậm tiến độ CPH nhiều DN.

Cần tạo thanh khoản cho cổ phiếu IPO

Những đối tượng mua cổ phần số lượng lớn, với mục tiêu lên nắm quyền điều hành DN có thể chưa sớm có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần sau IPO, bởi họ muốn cải cách, gắn bó phát triển lâu dài với DN, thì việc chưa có cơ chế gắn IPO với niêm yết có thể chưa tác động tiêu cực ngay đến sức cầu của đối tượng này đối với các đợt IPO.

Tuy nhiên, điều này là trái ngược với số đông đối tượng là NĐT đầu tư tài chính, bởi ngoài yếu tố thời điểm đầu tư, mức giá cổ phiếu, thì thanh khoản là một trong những yếu tố chi phối, quyết định đến việc họ có bỏ tiền mua cổ phiếu IPO hay không.

Để giải tỏa điểm nghẽn trên, giới đầu tư kỳ vọng, Bộ Tài chính sớm ban hành và đưa vào áp dụng trong năm nay Thông tư hướng dẫn tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, thay thế Quyết định 108/2008/QĐ-BTC. Trước đó, dự thảo Thông tư này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố lấy ý kiến từ cuối tháng 6/2014.

Trong đó, để cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu IPO, UBCK đề xuất, công ty đại chúng hình thành từ DN 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần sau ngày Thông tư có hiệu lực, thì phải thực hiện đăng ký đại chúng với UBCK, đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Tuy nhiên, cổ phiếu IPO đăng ký giao dịch trên UPCoM, dưới cái nhìn của thành viên thị trường, chỉ cải thiện phần nào thanh khoản cho loại cổ phiếu này. Điều họ mong đợi hơn là thông qua “trạm trung chuyển” UPCoM, Bộ Tài chính, UBCK cần có cơ chế buộc các DN đủ tiêu chuẩn niêm yết lên niêm yết trên HOSE và HNX trong thời hạn cụ thể, để gia tăng tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Có như vậy mới dần kích cầu tiêu thụ lượng cổ phiếu IPO đang tăng đột biến.        

Kỳ cuối: Đường cùng là liệu pháp “đổi tên”

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục