Mệnh giá cổ phần được ấn định 10.000 đồng, nhưng khi IPO, có doanh nghiệp bán được 15.000-20.000 đồng/cổ phần, có doanh nghiệp chỉ bán được 7.000-8.000 đồng/cổ phần, theo ông, vì sao vậy?
Thứ nhất, trình độ, nghiệp vụ của thẩm định viên khó có thể xác định được khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai, khó có thể dự báo được tiềm năng của thị trường trong khi định giá.
Thứ hai, khi thẩm định giá, tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp không có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, thông tin về tài sản, hàng tồn kho; nợ phải thu, nợ phải trả; tài sản thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết; tài sản không cần dùng; tài sản được đầu tư bằng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi; vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, các khoản đầu tư tài chính khác… của doanh nghiệp CPH.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)
Thứ ba, từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến khi công bố mất một khoảng thời gian khá dài (thường là quá 6 tháng) và cho đến khi tiến hành IPO lại mất thêm một khoảng thời gian nữa. Trong khoảng thời gian này, thị trường đã có sự biến động, thậm chí biến động rất lớn, chưa nói tới các chính sách của Nhà nước có sự thay đổi cũng ảnh hưởng rất lớn tới giá trị doanh nghiệp kể từ khi xác định đến khi công bố và khi IPO.
Chính vì vậy, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp CPH được điều chỉnh giá trị doanh nghiệp đã công bố khi có những nguyên nhân khách quan hoặc sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà chưa tiến hành IPO.
Ông có nghĩ, việc định giá doanh nghiệp không chính xác là do tổ chức định giá thiếu kinh nghiệm?
Hiện tại, chỉ có các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp; trong thời gian 3 năm gần nhất, mỗi năm phải thực hiện được ít nhất 30 hợp đồng cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực nói trên; có ít nhất 3 thẩm định viên về giá đã được Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên... mới được cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm định giá cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH.
Tổ chức thẩm định giá nước ngoài phải là tổ chức có uy tín, năng lực, thương hiệu và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp mới được cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm định giá cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH.
Với những quy định rất chặt chẽ về điều kiện được cung cấp dịch vụ thẩm định giá doanh nghiệp nhà nước khi CPH hiện nay, tôi cho rằng, chất lượng của tổ chức thẩm định giá nói chung, thẩm định viên nói riêng không vấn đề gì.
Tuy nhiên, chi phí CPH, trong đó có chi phí xác định giá trị doanh nghiệp hiện tại bị khống chế, nên đã hạn chế doanh nghiệp thuê được tổ chức thẩm định giá có chất lượng cao hơn.
Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP sẽ bỏ việc khống chế chi phí CPH, hy vọng giá trị doanh nghiệp được xác định chính xác hơn vì “tiền nào của nấy”.
Tổ chức thẩm định giá thường lựa chọn phương pháp tài sản để định giá doanh nghiệp khiến giá trị doanh nghiệp được thẩm định và giá trị thực tế có độ vênh rất lớn. Theo ông, có nên bắt buộc phải sử dụng nhiều phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau?
Tổ chức thẩm định giá được quyền lựa chọn phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, nên đúng là họ thường sử dụng phương pháp tài sản, vì phương pháp này dễ thực hiện nhất.
Cũng có ý kiến đề nghị, ngoài phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu để xác định giá trị doanh nghiệp, cần bổ sung một số phương pháp khác như phương pháp thị trường, phương pháp so sánh với các giao dịch tương tự, phương pháp vốn hóa thu nhập...
Các quy định hiện hành không cấm tổ chức định giá được sử dụng các phương pháp định giá khác nhau, nhưng trên thực tế rất khó áp dụng, ngay cả với phương pháp được coi là dễ nhất là phương pháp so sánh.
Đơn cử, để so sánh hai doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực bia - rượu - nước giải khát là Habeco và Sabeco cũng vô cùng phức tạp, vì thế không thể định giá Sabeco trên cơ sở so sánh với Habeco và ngược lại bằng phương pháp so sánh.
Ý ông là giá trị doanh nghiệp do tổ chức định giá đưa ra chỉ là cơ sở giúp cơ quan có thẩm quyền xác định quy mô vốn điều lệ, giá khởi điểm để IPO, còn giá trị thực tế của doanh nghiệp để thị trường quyết định?
Đúng vậy! Thực tế cho thấy, cổ phiếu của Vinamilk “đắt hàng”, trong khi cổ phiếu của công ty sữa khác chắc gì đã hấp dẫn. Không ai nghĩ rằng, ở Việt Nam, trong khi cổ phiếu của công ty lắp máy bán giá rẻ vẫn “dội chợ”, thì cổ phiếu của hãng phim truyện lại đắt hàng.
Thị trường có cái “lý riêng”, khó có thể giải thích được. Vấn đề là trong mọi khâu của cả quá trình CPH, phải minh bạch, rõ ràng, hạn chế tối đa thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Tôi nghĩ rằng, nếu quá thiên về mục tiêu nào đó như phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, hoặc phải IPO bằng được, hay phải cố gắng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thì không cẩn thận sẽ mắc mưu “tổ lái”, vốn, tài sản nhà nước sẽ bị thất thoát thông qua việc mua rẻ cổ phần nhà nước.