Theo chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ phải hoàn thành công tác IPO VTVcab với hạn chót đến ngày 30/9/2017 và không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 đã được VTV công bố trước đó.
VTVcab thành lập từ năm 2012, nhưng tiền thân của doanh nghiệp này là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình Cáp (VCTV) đã tham gia ngành truyền hình trả tiền Việt Nam từ năm 1995. Tính đến thời điểm hiện tại, VTVcab đang cung cấp gần như toàn bộ các loại hình truyền hình trả tiền đã xuất hiện tại Việt Nam gồm truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, dịch vụ internet trên mạng truyền hình cáp (VTVnet), truyền hình giao thức Internet IPTV (VTVplay), truyền hình theo yêu cầu VOD (VTVcab ON)…
Mạng truyền hình cáp của VTVcab hiện phủ sóng đến gần 60 tỉnh, thành phố. VTVcab hiện có 38 chi nhánh trên cả nước với 2.144 nhân viên. VTVcab đang sở hữu tại 2 công ty con và có 3 công ty liên kết, trong đó 4 công ty kinh doanh dịch vụ truyền hình và 1 công ty chuyên về quảng cáo. Ngoài kinh doanh truyền hình trả tiền, VTVcab còn cung cấp các dịch vụ viễn thông có dây, bán buôn thiết bị linh kiện điện tử và viễn thông, môi giới sắp xếp mua bán bản quyền…
Năm 2016, doanh thu từ dịch vụ truyền hình trả tiền và viễn thông có dây của Công ty mẹ VTVcab đạt 2.133,8 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, trong đó doanh thu dịch vụ internet tăng gấp đôi, đạt 34,3 tỷ đồng. Cuối năm, VTVcab ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần, 21 tỷ đồng doanh thu tài chính và đạt lợi nhuận sau thuế 68,6 tỷ đồng. Doanh thu tài chính ở mức xấp xỉ năm 2015 (chủ yếu từ cổ tức công ty con và liên kết là 19,4 tỷ đồng), trong khi doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 11,3% và 4,9%.
Về quy mô, tính đến cuối 2016, vốn điều lệ VTVcab đạt 458 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với đầu năm do VTV chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại Công ty Smart Media (công ty liên kết mà VTV đang nắm 20% vốn) cho VTVCab.
Tổng tài sản đạt hơn 2.409 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là gần 64 tỷ đồng; tài sản cố định chiếm tỷ lệ lớn nhất (26%), tương đương gần 634 tỷ đồng, chủ yếu là máy móc thiết bị và phần mềm. Khoản mục có giá trị đáng kể tiếp theo là tài sản dài hạn khác, đạt hơn 486 tỷ đồng, trong đó 485,6 tỷ đồng là các chi phí trả trước dài hạn gồm lợi thế thương mại, chi phí quảng cáo, bản quyền, đầu thu…
Cuối 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (473 tỷ đồng), trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng, chiếm 68,6%. VTVcab cho biết, khoản nợ ngắn hạn này không bao gồm khoản người mua trả tiền trước (1.139,6 tỷ đồng) đã vượt quá tài sản ngắn hạn (825,26 tỷ đồng) là 314,4 tỷ đồng, song Công ty vẫn duy trì khả năng thanh toán các khoản công nợ khi đến hạn bằng dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh và các nguồn vốn khác, trong đó có các khoản vay ngân hàng.
Với kết quả 2016 đã công bố, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VTVcab đạt khoảng 14,48%, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 1.495 đồng, giá trị sổ sách cổ phiếu là 9.637 đồng.
Thận trọng tìm nhà đầu tư chiến lược
Theo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được công bố mới đây, VTVCab chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi, không lỗ lũy kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.
Đồng thời, có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu… Cùng với đó, nhà đầu tư chiến lược cũng không được là cổ đông lớn, hoặc cổ đông chiến lược của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VTVCab tại Việt Nam.
VTVCab yêu cầu nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty chứng khoán… phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm. Riêng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền hoặc viễn thông thì cộng thêm điều kiện kinh nghiệm tối thiểu 3 năm.
Trong đợt IPO sắp tới, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ và chưa tiết lộ tỷ lệ chào bán cho cổ đông chiến lược. Nhưng theo yêu cầu của VTVcab, nhà đầu tư chiến lược phải đăng ký mua tối thiểu 10% vốn điều lệ và bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, đến hết năm 2016, với 30 doanh nghiệp hoạt động, ngành truyền hình trả tiền đã đạt 12,5 triệu thuê bao, doanh thu trong năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng.
Hiện chưa có số liệu chính thức (báo cáo của doanh nghiệp) khẳng định vị thế dẫn đầu (về thị phần thuê bao và doanh thu) thuộc về VTVcab hay Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), nhưng 2 doanh nghiệp này đang cho thấy sự vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ lợi thế về sản xuất nội dung so với các nhà mạng chỉ mua nội dung và bán thuê bao.
Theo số liệu mới nhất của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, 6 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã giảm xuống còn 15 doanh nghiệp.