Indo Trần và Gelex đã đạt được thỏa thuận nào đó để Gelex buông mảng logistics?

(ĐTCK) CTCP Kho vận miền Nam - Sotrans (mã STG) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc cho phép CTCP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần tăng tỷ lệ sở hữu mà không cần thực hiện chào mua công khai. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Gelex sẽ buông một trong những hoạt động nòng cốt là logistics.
Ảnh Internet

Theo đó, Công ty Indo Trần có thể tăng sở hữu lên mức tối đa 100% vốn Sotrans. Việc thực hiện có thể thông qua mua trực tiếp cổ phần đang được sở hữu bởi các cổ đông hiện hữu và/hoặc gián tiếp bằng việc tăng sở hữu tại các công ty đang là cổ đông của Sotrans.

Công ty Indo Trần hiện là 1 trong 2 cổ đông lớn nhất của Sotrans với sở hữu 41,78% vốn điều lệ và cũng có hoạt động chính là kinh doanh logistics.

Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Gelex Logistic - một công ty con của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã GEX) với sở hữu 54,8% vốn.

Tổng sở hữu của 2 cổ đông lớn của Sotrans hiện chiếm 96,6% vốn điều lệ. Như vậy, việc nâng sở lên mức tối đa tại Sotrans của Công ty Indo Trần phụ thuộc rất lớn vào Gelex.

Với cục diện này, nhiều ý kiến suy đoán rằng, nhiều khả năng giữa Công ty Indo Trần và Gelex đã đạt được thỏa thuận nào đó và Gelex sắp “buông” lĩnh vực logistics, một trong những hoạt động kinh doanh chính của mình.

Nếu không đạt được thỏa thuận với Gelex thì việc Sotrans lấy ý kiến cổ đông cho phép Công ty Indo Trần gia tăng sở hữu mà không phải chào mua công khai sẽ không có tác dụng.

Ðể tìm hiểu câu trả lời, Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với lãnh đạo của Gelex, nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.

Ðược biết, sau khi Nhà nước thoái vốn, Gelex đã tiến hành tái cơ cấu. Tại Ðại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 8/2016, Gelex xin ý kiến cổ đông thông qua nhiều chiến lược quan trọng, trong đó có việc phát hành thêm 77,25 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans và CTCP Thiết bị điện Thibidi.

Gelex cho biết việc mở rộng sang mảng này là do nhu cầu logistics hàng năm rất lớn, nhất là trong nội bộ các công ty thành viên, cũng như đón đầu xu thế tăng trưởng mạnh của ngành này nhờ quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Cuộc họp này gây chú ý về nhân sự, khi ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) được bầu vào vị trí thành viên HÐQT Gelex nhiệm kỳ 2016-2020.

Ông Tuấn từng giữ chức Phó chủ tịch HÐQT Công ty Chứng khoán IB (mã VIX) và nhiều vị trí quan trọng tại các công ty khác có liên quan đến Sotrans.

Hiện Gelex có 4 mảng hoạt động chính thông qua các công ty con gồm CTCP Thiết bị điện Gelex, Công ty TNHH Năng lượng Gelex, Công ty TNHH Gelex Logistics và Công ty TNHH Gelex Land.

Gelex nắm giữ Sotrans thông qua Gelex Logistics. Sotrans có vốn điều lệ 982 tỷ đồng.

Tài sản chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết với hơn 1.455 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, bao gồm các khoản đầu tư vào 8 công ty con và 7 đơn vị liên doanh - liên kết ở nhiều lĩnh vực, trong đó có Tổng CTCP Ðường sông Miền Nam (Sowatco) - đơn vị dẫn đầu về vận chuyển container, hàng rời trong các tuyến đường thủy tại miền Nam với đội tàu và sà lan 27 chiếc.

Sowatco còn sở hữu Cảng Long Bình diện tích 20 ha; là cổ đông lớn của Công ty Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) và sở hữu hệ thống các bến phao cho tàu biển.

Ngoài ra, Gelex còn có một công ty con khác hoạt động trong lĩnh vực logistics là CTCP Vận tải đa phương thức Vietranstimex (mã VTX), được biết đến như là một trong những công ty hàng đầu khu vực Ðông Nam Á về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

Theo thông tin từ VTX, công ty này có hệ thống kho bãi trên cả nước như Hà Nội (15.146 m2), Ðà Nẵng (14.830 m2), Phú Mỹ  - Bà Rịa Vũng Tàu (8.419 m2), Dung Quất - Quảng Ngãi (54.029 m2)… Gần đây, VTX có thanh lý một số tài sản là bất động sản.

Theo báo cáo tài chính riêng quý IV/2019, lũy kế cả năm 2019, Sotrans đạt doanh thu gần 319 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động tài chính đạt 184 tỷ đồng và lãi ròng 203 tỷ đồng.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục