Năm 2016, Gelex có doanh thu 7.297 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 772 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu 11.984 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.145 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm 2016 về doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 64,23% và 48,35%.
Năm 2018, riêng tổng doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 10.049 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15,9%, và đặc biệt là lợi nhuận sau thuế 3 quý bứt phá với mức tăng tới 51,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bức tranh tăng trưởng của Gelex thể hiện kết quả hết sức khả quan.
Sự tăng trưởng mang tính đột phá này được nhận định là do chiến lược tái cơ cấu hiệu quả mảng thiết bị điện và mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực có tiềm năng khác như Tiện ích (bao gồm năng lượng và nước sạch), Logistics và Bất động sản.
Nối tiếp những thành công bước đầu từ tái cơ cấu, Ban lãnh đạo Gelex đã quyết tâm mạnh dạn tiếp tục đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc theo mô hình Holdings với mục tiêu tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong tập đoàn từ đó tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ và hiệu quả hơn về tổng thể.
Đánh giá về lộ trình sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc sâu rộng, đại diện lãnh đạo Gelex cho rằng có nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện để mang lại hiệu quả tối ưu.
Theo đó, Gelex tiếp tục tập trung tái cấu trúc theo 4 lĩnh vực chính gồm công nghiệp với định hướng là hoàn thiện hệ sinh thái ngành điện bao gồm nguồn phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và têu dùng từ hạ thế, trung thế cho đến cao thế; lĩnh vực tiện ích bao gồm năng lượng và nước sạch; lĩnh vực Logictics và bất động sản.
Để thực hiện chiến lược này, Gelex hoạch định bốn khối kinh doanh chính theo mô hình Công ty mẹ GELEX có nhiệm vụ như một công ty holdings – chuyên quản lý phần vốn góp tại các đơn vị kinh doanh.
Với mô hình này, Gelex mẹ đề cao tính tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con. Gelex mẹ tập trung vào xây dựng các hệ tiêu chuẩn về quản trị kinh doanh hiện đại, quản trị rủi ro trên toàn hệ thống và phát triển nguồn lực con người.
Một ví dụ về quản trị hiện đại đã giúp Gelex dễ dàng hơn trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý là việc 4 công ty con của Gelex là Gelex Electrics LTD, Gelex Energy LTD, Gelex Logistics LTD và Gelex Land LTD đều do các thành viên HĐQT chuyên trách theo mảng kinh doanh điều hành.
Về mặt tài chính, mô hình sở hữu tài sản sẽ giúp Công ty mẹ GELEX tập trung vào việc điều phối, huy động và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất trong toàn hệ thống Tổng Công ty thông qua việc quản lý dòng tiền và nhu cầu sử dụng tiền của từng nhóm/công ty của Gelex. Bên cạnh đó, với việc thẩm định đầu tư những dự án lớn, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện giữa các dự án sẽ giúp đảm bảo tối ưu hoá sử dụng vốn trong hệ thống, nhờ đó mang lại dòng chu chuyển đầu tư hiệu quả cho Gelex.
Lấy sản xuất công nghiệp làm cốt lõi
Để thực hiện chiến lược tái cấu trúc này cũng như tối ưu hóa sản xuất và quản lý, tiếp nối lộ trình tái cơ cấu năm 2018, Công ty mẹ Gelex đã thực hiện chuyển phần vốn góp của Gelex tại các công ty con thuộc lĩnh vực thiết bị điện là Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam, Công ty cổ phần Thiết bị điện và Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội cho Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex.
Gelex Electric đã từng bước thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu tại CAV, THI và HEM lên 100%, tạo điều kiện để Gelex có thể thực hiện được các chiến lược phát triển lĩnh vực điện nhanh chóng và mang lại lợi ích cao nhất cho Gelex.
Với mô hình một tổng công ty lấy hoạt động sản xuất công nghiệp làm cốt lõi, Gelex mẹ đã chỉ đạo tập trung xây dựng đội ngũ R&D tại Gelex Electric, xây dựng quỹ công nghệ trên toàn hệ thống để khuyến khích tư duy sáng tạo, phát triển các sản phẩm cao thế mới mà hiện nay đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng nội tại, Gelex Electric cũng đang nâng dần tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh để hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm của mình.
Trong lĩnh vực Logistics được xác định là những lĩnh vực hết sức tiềm năng, Gelex tập trung đẩy mạnh các hoạt động của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam ( SOTRANS) với mục tiêu hướng tới là phát triển SOTRANS thành doanh nghiệp trong top 3 có chuỗi logistic khép kín lớn nhất Việt Nam.
Tổng công ty cũng sẽ tập trung đầu tư dài hạn vào mảng Tiện ích. Đây là mảng hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm thiết yếu cho người dân và cho phát triển nền kinh tế với độ an toàn cao cho thu nhập ổn định. Định hướng từ nay đến năm 2025, sẽ phát triển 800 Mw điện tái tạo, trong đó tập trung vào điện mặt trời và điện gió.
Đối với mảng bất động sản, Gelex hiện đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết cho các dự án được hình thành trên cơ sở quỹ đất của Gelex và các doanh nghiệp thành viên nên không sử dụng nhiều nguồn lực.
Theo kế hoạch mảng bất động sản sẽ bắt đầu phát triển mạnh trong giai đoạn 2020-2025, đóng góp nguồn thu và lợi nhuận lớn cho Gelex trong giai đoạn này.
Nếu theo dõi Gelex, sẽ dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp này đang ngày càng lớn mạnh. Mục tiêu của Gelex là giữ vững vị trí số 1 trong nhóm các doanh nghiệp cùng ngành, giữ vững thương hiệu uy tín quốc gia, vươn tầm khu vực và quốc tế.
Ngày 20/12 tới đây, Gelex lần thứ 3 liên tiếp vinh dự đón nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia, giai đoạn 2018-2020, được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.