IMF cảnh báo về tác động thị trường khi BOJ thay đổi chính sách đột ngột

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, một sự thay đổi đột ngột trong chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Nhật Bản sẽ có tác động “lan tỏa có ý nghĩa” đối với thị trường tài chính toàn cầu.
IMF cảnh báo về tác động thị trường khi BOJ thay đổi chính sách đột ngột

Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành IMF đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt để kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ, khi bà cảnh báo về “những rủi ro tăng đáng kể” đối với lạm phát trong thời gian tới.

Bà Gita Gopinath cho biết, nền kinh tế tiên tiến nhất châu Á đang ở “một thời điểm nhạy cảm”. BOJ đã chịu áp lực thị trường ngày càng tăng trong việc thay đổi các biện pháp nới lỏng lâu dài khi tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 41 năm qua là 4%. BOJ cũng phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ để đạt được mục tiêu lạm phát trong khi tránh lạm phát và hỗn loạn trên thị trường tiền tệ và trái phiếu.

“Chúng tôi vẫn tin rằng điều quan trọng đối với chính sách tiền tệ là duy trì tính hỗ trợ cao vào thời điểm này. Kiểm soát đường cong lợi suất là một phần của bộ công cụ đó…Trong ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy những rủi ro đáng kể đối với lạm phát. Sự gia tăng tính linh hoạt trong việc quản lý đường cong lợi suất sẽ giúp ích”, bà Gopinath cho biết.

BOJ đã tăng nhẹ trần lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm (JGB) vào tháng 12/2022, nhưng họ không thực hiện thêm thay đổi nào đối với các biện pháp nới lỏng quy mô lớn, với lập luận rằng việc tăng giá không dẫn đến tăng lương sẽ cho phép BOJ đạt mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%.

IMF đề xuất BOJ có thể xem xét ba lựa chọn để cho phép tính linh hoạt trong lợi suất trái phiếu JGB dài hạn: mở rộng biên độ mục tiêu lợi suất và/hoặc tăng mục tiêu lợi suất 10 năm; rút ngắn đường cong lợi suất mục tiêu; hoặc chuyển sang mục tiêu mua JGB.

“Trong kịch bản rủi ro lạm phát tăng đáng kể trở thành hiện thực, việc rút tiền kích thích tiền tệ sẽ phải mạnh mẽ hơn nhiều”, BOJ cho biết.

Tuy nhiên, về dài hạn, IMF dự kiến lạm phát cơ bản của Nhật Bản (loại trừ giá lương thực biến động) sẽ đạt đỉnh vào quý đầu năm nay và giảm dần xuống dưới 2% vào cuối năm 2024. IMF dự kiến nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,8% vào năm 2023 và giảm xuống còn 0,9% vào năm 2024.

“Chúng tôi vẫn tin rằng không có đủ dấu hiệu cho thấy điều này sẽ dẫn đến lạm phát bền vững ở mức mục tiêu 2%”, bà Gopinath cho biết.

Vào tháng 12/2022, BOJ đã khiến các nhà đầu tư choáng váng khi tuyên bố sẽ cho phép lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm dao động ở biên độ +/-0,5%, thay thế cho biên độ +/-0,25% trước đó. Tuần trước, BOJ đã giới thiệu một chương trình cho vay mở rộng cho các ngân hàng để ổn định đường cong lợi suất.

Trong một cuộc họp chính sách vào tuần trước, các thành viên hội đồng quản trị của BOJ cũng cho biết, ngân hàng trung ương cần tiếp tục với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất hiện tại, và lưu ý rằng, sẽ mất thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững.

“Ngân hàng nên giải thích cẩn thận rằng cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ, rằng lập trường chính sách hỗ trợ của ngân hàng không thay đổi và sẽ cần thời gian để đạt được mục tiêu ổn định giá 2% một cách bền vững và ổn định do tiền lương tăng vẫn chưa trở nên chính thức”, các thành viên hội đồng quản trị BOJ cho biết theo bản tóm tắt các ý kiến tại cuộc họp được công bố hôm thứ Năm (26/1).

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục