Theo đó, trong quý IV, IJC đạt doanh thu thuần 771 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận gộp theo đó tăng 70% lên gần 261 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm rất mạnh xuống chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là trên 31 tỷ đồng. Chi phí tài chính theo đó giảm 34% xuống 17,8 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 11 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động nhẹ, lần lượt đạt 15 và 7 tỷ đồng.
Kết quả, IJC đạt 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (phần cổ đông Công ty mẹ), tăng 51% so với cùng kỳ 2013.
Theo giải trình của IJC, doanh thu thuần tăng 83% chủ yếu do doanh thu ghi nhận từ công ty con tăng. Còn lợi nhuận tăng 51% một phần nhờ chi phí thuế TNDN giảm từ 25% về 22%.
Lũy kế cả năm 2014, IJC đạt doanh thu thuần 1.036 tỷ đồng và phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 230,6 tỷ đồng, tăng tương ứng 68% và 43% so với năm 2013. Dù đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, song IJC mới chỉ hoàn thành khoảng 75% kế hoạch đã đã đặt ra.
Trong năm 2015, IJC lên kế hoạch đạt 1.337 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 324 tỷ đồng và 260 tỷ đồng. Mức cổ tức 2015 dự kiến là 8%. Trong năm 2014, IJC dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ từ 6-8%.
Tại thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản của IJC tăng hơn 1.000 tỷ đồng (22%) so với hồi đầu năm lên 6.731 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm 51% xuống 113 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho đã tăng 39% (trên 1.100 tỷ đồng) so với đầu năm lên 3.945 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dở dang của các dự án bất động sản, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là Dự án Khu đô thị Đông Đô Đại Phố lên tới 2.140 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2014, nợ phải trả của IJC là 3.662 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.372.5 tỷ đồng, tăng 676 tỷ đồng (40%) so với đầu năm, vay và nợ dài hạn tăng nhẹ đạt 1.289 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng chỉ tăng nhẹ, đạt 3.069 tỷ đồng.