IFC sẵn sàng hỗ trợ cả doanh nghiệp lỗ

(ĐTCK) IFC muốn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tiếp cận vốn, ông Jingdong Hua, Phó chủ tịch Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) toàn cầu phụ trách phát triển thị trường vốn, chia sẻ với ĐTCK về các hoạt động tiếp theo của tổ chức này sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ thị trường vốn giai đoạn 2008 - 2013 tại Việt Nam.
IFC sẵn sàng hỗ trợ cả doanh nghiệp lỗ

IFC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam như thế nào trong giai đoạn trước mắt?

Mục tiêu của chúng tôi là gọi vốn để hỗ trợ hoạt động cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Lĩnh vực tư nhân rất quan trọng cho một nền kinh tế, vì nó tạo ra việc làm cho mọi người, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn với giá hợp lý. IFC muốn tạo ra các công cụ hỗ trợ vốn cho khu vực này, làm sao để các doanh nghiệp có thể tập trung vào việc kinh doanh, thay vì phải lo lắng đến đồng vốn và tỷ giá.

Chúng tôi có thể hỗ trợ bằng nhiều phương thức, như trực tiếp đầu tư hay bảo lãnh tín dụng, hoặc cũng có thể cam kết mua trái phiếu khi doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra thị trường, qua đó sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp thực hiện chào bán thành công.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có những tiêu chuẩn gì để được IFC hỗ trợ vay vốn?

Thực tế, chúng tôi rất vui lòng được hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Tại nhiều quốc gia, chúng tôi hỗ trợ cả những công ty có mức xếp hạng thấp (BBB, BB), thậm chí đối với cả một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ (tất nhiên là lỗ ở mức chấp nhận được). Việc quyết định có hỗ trợ một doanh nghiệp hay không được chúng tôi xem xét dựa trên một tập hợp các yếu tố, như mức độ ổn định, nền tảng khách hàng của công ty, tính hiệu quả, tiềm năng của công ty đó.

Cũng cần phải nhắc rằng điều quan trọng nhất đối với việc hỗ trợ của IFC không chỉ là phát hành trái phiếu thành công, mà là giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Ở Việt Nam, rào cản lớn nhất hiện nay là không có công ty định mức tín nhiệm trong nước. Đây là yếu tố then chốt để công ty tư nhân có thể phát hành trái phiếu.

Vì sao IFC chú trọng tới công cụ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)  như vậy?

TPDN quan trọng bởi đây là kênh dẫn vốn hiệu quả giữa nguồn tiền tiết kiệm với các nhu cầu về vốn cho sản xuất - kinh doanh. Bạn sẽ thấy có mối tương quan rất chặt giữa quy mô của thị trường TPDN với mức độ phát triển của một nền kinh tế. Ở Malaysia, quy mô TPDN vào khoảng 60% GDP, Thổ Nhĩ Kỳ là 90% và ở Brazil là 200%. Tại Mỹ, TPDN là nguồn huy động vốn hàng đầu của nền kinh tế. Còn tại Việt Nam, quy mô TPDN hiện nay mới là 4,63% GDP.

Trước kia quy mô TPDN ở Trung Quốc cũng rất thấp, nhưng sau khi nhận thức tầm quan trọng của thị trường này, đến năm 2014, quy mô TPDN ở Trung Quốc đã lên tới 20% GDP.

Một điểm quan trọng nữa là doanh nghiệp cần phát hành TPDN bằng tiền địa phương hơn là bằng tiền nước ngoài. Bởi đối với một nền kinh tế, quan trọng nhất là dùng nguồn tiết kiệm trong nước, thay vì lệ thuộc vào nguồn tiền nước ngoài - nguồn ngoại tệ khi đó chỉ là bổ sung thêm.

Không chỉ phát hành trái phiếu mà thị trường giao dịch thứ cấp cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu sơ cấp, trái phiếu đó được giao dịch thứ cấp sẽ tạo thanh khoản. Khi thanh khoản cao, giao dịch thứ cấp càng nhiều hơn, và vòng quay này giúp nguồn tiền được xoay vòng để tái cấp vốn cho công ty.

Nhưng Việt Nam hiện nay, TPDN chủ yếu là các hoạt động tín dụng thực hiện riêng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giao dịch thứ cấp rất thấp và công bố thông tin cũng còn hạn chế. Vậy theo ông, việc công bố thông tin trên thị trường này có quan trọng?

Điểm khác biệt giữa trái phiếu và tín dụng truyền thống đó là sự chuẩn hóa. Tín dụng truyền thống tất nhiên là hoạt động riêng giữa người đi vay và người cho vay, nhưng TPDN là một công cụ được chuẩn hóa, để khi một doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng có nghĩa doanh nghiệp đó đã đáp ứng đầy đủ các tiểu chuẩn, như chuẩn báo cáo tài chính, chuẩn kế toán, cũng như các chuẩn mực khác về sự minh bạch thông tin, và các nhà đầu tư phải được biết.

Để thị trường TPDN phát triển, TPDN phải có khả năng giao dịch cao, thị trường phải có thanh khoản. Do đó, các cơ quan quản lý phải đảm bảo sao cho các chuẩn mực của thị trường được duy trì, thị trường hoạt động mạnh mới tạo được niềm tin trong các nhà đầu tư. Niềm tin là nền tảng của thị trường này.

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục