IEA đã nâng dự báo về mức tiêu thụ nhiên liệu trong năm nay nhờ sức mạnh đáng ngạc nhiên ở Trung Quốc trong khi vẫn dự đoán nguồn cung sẽ thiếu hụt trong quý IV, nhưng thâm hụt sẽ nhỏ hơn khoảng 30% so với dự kiến trước đó, vào khoảng 900.000 thùng/ngày.
“Nhu cầu dầu thế giới tiếp tục vượt quá mong đợi. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới cũng đang vượt quá mong đợi do tăng trưởng sản xuất ở Mỹ và Brazil đã vượt xa dự báo”, báo cáo cho biết.
Những lo ngại rằng xung đột ở Trung Đông sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đã giảm bớt, trong khi bối cảnh kinh tế ở Trung Quốc trở nên ảm đạm.
IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay - cao hơn dự báo tháng trước - lên mức trung bình hàng năm kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Mức tiêu thụ kỷ lục của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 75% mức tăng, trong khi việc sử dụng nhiên liệu của Mỹ đã thúc đẩy mức tăng dự báo.
Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của IEA cho biết: “Tâm lý kinh tế vĩ mô đang xấu đi và có rất nhiều lo ngại về lãi suất và tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, nhu cầu dầu đang tăng mạnh và vượt quá mong đợi, đặc biệt là Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên”.
Theo báo cáo, thị trường dầu mỏ vẫn thắt chặt, với tồn kho thế giới giảm mạnh trong quý trước, tương đương khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, trong ba tháng cuối năm, việc điều chỉnh tăng nhu cầu chỉ bằng một nửa mức tăng 400.000 thùng/ngày đối với nguồn cung từ bên ngoài OPEC, làm giảm mức thâm hụt dẫn đến dưới 1 triệu thùng/ngày.
Sản lượng kỷ lục từ Mỹ, Brazil và Guyana sẽ củng cố nguồn cung dầu toàn cầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 101,8 triệu thùng/ngày. Vào năm 2024, các nhà sản xuất ngoài OPEC+ sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu, dự kiến ở mức 1,6 triệu thùng/ngày, lên mức chưa từng có là 103,4 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, việc tạm thời nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela vào cuối tháng 10 dự kiến sẽ chỉ có tác động nhẹ đến nguồn cung, vì việc tăng sản lượng từ ngành dầu mỏ đang gặp khó khăn của nước này sẽ mất thời gian và đầu tư.
Mặt khác, Ả Rập Xê Út đã tăng cường cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày và một số nhà phân tích dự đoán rằng nước này sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng trong năm tới.
IEA nhận thấy thị trường dầu mỏ thế giới quay trở lại tình trạng dư cung trong nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại đáng kể. Mức tiêu thụ sẽ chỉ tăng 930.000 thùng/ngày vào năm tới, khi khả năng phục hồi sau đại dịch đã cạn kiệt và việc sử dụng năng lượng ngày càng hiệu quả hơn. Nhưng con số này vẫn chưa bằng một nửa mức tăng tiêu thụ mà OPEC dự đoán.
Theo báo cáo mới nhất của OPEC, nhu cầu dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.