IEA: Quyết định của OPEC có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC có thể đưa nền kinh tế toàn cầu rơi vào bờ vực suy thoái.
IEA: Quyết định của OPEC có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng, IEA cho biết: “Với áp lực lạm phát không ngừng và việc tăng lãi suất, giá dầu cao hơn có thể chứng minh điểm tới hạn cho một nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái”.

IEA đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm tới hơn 20% do các tổ chức lớn tiếp tục hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu. Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, năm 2023 sẽ “giống như một cuộc suy thoái” ở một số quốc gia và IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống 2,7% so với dự đoán trước đó là 3,2%.

Mặc dù nhu cầu dầu tăng trưởng yếu hơn nhiều nhưng việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất dầu lớn khác được cho là sẽ làm giảm mạnh nguồn dự trữ dầu toàn cầu và giữ cho giá tăng.

IEA cho biết: “Việc cắt giảm lớn nguồn cung dầu của OPEC+ làm tăng rủi ro về an ninh năng lượng trên toàn thế giới”, với nhiều quốc gia đã đối phó với giá năng lượng tăng và lo ngại suy thoái kinh tế.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu đã đặt Ả Rập Xê Út vào một tình huống va chạm với Nhà Trắng.

Việc cắt giảm đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ các quốc gia bên ngoài liên minh OPEC+ và Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi động thái này là “không cần thiết”. Quyết định này có khả năng dẫn đến giá nhiên liệu cao hơn trên toàn thế giới trong thời gian còn lại của năm và gây khó khăn cho các quốc gia ở châu Âu đang đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng quyết định của OPEC+ có thể đẩy châu lục này đi vào suy thoái.

IEA cảnh báo rằng giá dầu cao hơn có thể kéo dài sang năm tới và có thể là sợi dây cuối cùng cho một nền kinh tế toàn cầu mà nhiều người đã cảnh báo là đang nghiêng ngả trên bờ vực một cuộc suy thoái.

Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir cho biết việc cắt giảm nhằm ổn định thị trường. “Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi không có biến động thất thường về giá cả”, ông cho biết.

Theo IEA, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ thực tế sẽ gần 1 triệu thùng/ngày do hầu hết các thành viên OPEC+ đã không đạt được các mục tiêu sản xuất trước đó.

Tuy nhiên, quyết định cắt giảm nguồn cung đã khiến giá dầu Brent tăng cao hơn và có khả năng quay lại mức 100 USD/thùng.

Thông thường, giá dầu cao hơn sẽ khiến các nhà sản xuất ngoài OPEC bơm thêm sản lượng, đặc biệt là các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Nhưng các công ty này đã phải trải qua sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và lạm phát chi phí và vẫn chưa công bố các khoản đầu tư lớn vào sản xuất.

Bên cạnh đó, yếu tố khác đã dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư vào dầu đá phiến là do sự sụp đổ của giá dầu vào năm 2020. Vào thời điểm những ngày đầu của đại dịch, giá dầu Brent đã xuống thấp tới 20 USD/thùng trong khi giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm ở mức giá dưới 0 và dẫn đến hàng loạt các vụ phá sản trong toàn ngành dầu khí.

“Điều này làm dấy lên nghi ngờ về những kỳ vọng rằng giá dầu cao hơn nhất thiết sẽ cân bằng thị trường thông qua nguồn cung bổ sung”, IEA cho biết.

Theo IEA, tăng trưởng nguồn cung dự kiến ​​sẽ “chậm lại rõ rệt” vào năm 2023 mặc dù vẫn đạt mức kỷ lục 100,6 triệu thùng/ngày. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ở mức trung bình 101,3 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục