OPEC cắt giảm nhu cầu dầu năm 2022, 2023 do nền kinh tế chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố hôm thứ Tư (12/10), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến ​​nhu cầu dầu sẽ giảm khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, trong đó chính sách kiểm soát Covid ở Trung Quốc là mối quan tâm chính.
OPEC cắt giảm nhu cầu dầu năm 2022, 2023 do nền kinh tế chậm lại

OPEC cho biết, nhu cầu dầu sẽ tăng 2,64 triệu thùng/ngày hay 2,7% vào năm 2022, giảm 460.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

OPEC cũng hạ triển vọng nhu cầu dầu trong năm 2023 xuống 102 triệu thùng/ngày, ít hơn 360.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC vẫn kỳ vọng nhu cầu vào năm 2023 sẽ vượt quá mức trước đại dịch trong năm 2019.

Ngoài ra, OPEC chỉ ra lạm phát cao và lãi suất tăng trên toàn thế giới là những trở ngại cho tăng trưởng kinh tế khi họ cắt giảm dự báo nhu cầu cho năm 2022 và 2023.

“Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ bất ổn gia tăng và thách thức gia tăng, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao, thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực cũng như các vấn đề về nguồn cung đang diễn ra”, OPEC cho biết.

Các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc lại tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8. Trong đó, các trường học, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục ở Thượng Hải phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo Bloomberg, điều này làm dấy lên lo ngại rằng Thượng Hải đang hướng tới một đợt đóng cửa khác và do đó làm giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu thô.

OPEC cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,1% xuống 2,7% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 2,5% và cho rằng có khả năng suy yếu hơn nữa.

Nguồn cung tăng

OPEC+ đã tăng sản lượng dầu trong phần lớn thời gian của năm nay để giải phóng mức cắt giảm kỷ lục được đưa ra vào năm 2020 sau khi đại dịch làm cắt giảm nhu cầu.

Báo cáo cho thấy sản lượng của OPEC đã tăng 146.000 thùng/ngày lên 29,77 triệu thùng/ngày trong tháng 9, dẫn đầu là Ả Rập Xê Út và Nigeria.

Tuy nhiên, OPEC đang bơm ít hơn nhiều so với yêu cầu của thỏa thuận OPEC+ do khả năng khai thác đã tới hạn của một số quốc gia thành viên.

OPEC dự kiến ​​nhu cầu thế giới đối với dầu thô của họ sẽ đạt mức trung bình 29,4 triệu thùng/ngày trong năm tới và có thể thặng dư 370.000 thùng/ngày nếu sản lượng tiếp tục duy trì như mức của tháng 9 và những điều kiện khác vẫn tương đương.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đã thống nhất vào tuần trước là lớn hơn nhiều, ở mức 2 triệu thùng/ngày và sẽ bắt đầu vào tháng 11.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục