Huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gỡ rồi vẫn khó

(ĐTCK) Năm 2013, các DN niêm yết vẫn khó huy động vốn qua TTCK, do cơ chế phát hành dưới mệnh giá như kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chưa thể ban hành.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gỡ rồi vẫn khó

“Khó vì một mình một chợ…”

Theo UBCK, tổng giá trị vốn huy động được từ hoạt động chào bán qua TTCK đến hết tháng 9/2013 là 14.100 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2012 là 14.580 tỷ đồng… Tuy nhiên, có một thực tế là trong năm 2013, chiếm tỷ trọng áp đảo trong lượng vốn huy động thành công qua TTCK là phát hành riêng lẻ, chứ phát hành đại chúng vẫn thấp so với nhiều năm trước đây.

Diễn biến trên phản ánh, các DN niêm yết vẫn khó huy động vốn qua TTCK. Khá nhiều DN hoạt động tốt, kinh doanh có lãi, nhưng do kinh tế vĩ mô và TTCK khó khăn kéo dài trong những năm qua, nên thị giá cổ phiếu thấp dưới mệnh giá, khiến cho DN vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn.

“Năm 2013, Công ty kinh doanh có lãi, nhưng do TTCK vẫn chưa khởi sắc rõ nét, nên thị giá cổ phiếu vẫn thấp dưới mệnh giá, khiến cho kế hoạch tăng vốn của Công ty không thể triển khai. Điều này do Luật Chứng khoán quy định mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng".

"Kiểu quy định ‘đặc thù’ này của Việt Nam đang gây khó cho DN trong huy động vốn…”, chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội lý giải nguyên nhân hai năm liên tiếp Công ty không thể triển khai kế hoạch phát hành tăng vốn.

Vị này cho rằng , TTCK Việt Nam nên học theo nhiều nước trên thế giới là không đặt ra quy định về mệnh giá cổ phiếu, để sau khi ĐHCĐ thông qua phương án tăng vốn, DN được phép triển khai phát hành với bất kỳ giá nào, đảm bảo thành công cao nhất, thỏa mãn nguyên tắc quan trọng nhất của thị trường là thuận mua, vừa bán…

Chờ mở đường mới

 “Nếu dư địa huy động vốn qua TTCK vẫn bó hẹp như hiện nay, rõ ràng dưới cái nhìn của các DN niêm yết, TTCK đã không làm tốt được chức năng quan trọng nhất của nó là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ lực cho DN và nền kinh tế…”, ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch CLB Các công ty niêm yết, nhìn nhận và cho rằng, việc suốt một năm trôi qua, nhưng cơ chế cho phép DN được phát hành dưới mệnh giá như đề xuất của UBCK vẫn không được ban hành, đang gây khó cho nhiều DN trong tìm kiếm nguồn vốn qua TTCK.

Bởi vậy, tại Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển TTCK do UBCK tổ chức hôm nay (21/2), trên cơ sở tiếp nhận ý kiến của nhiều DN niêm yết, ông Tâm cho biết, ông tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK tìm cách thúc đẩy việc ban hành cơ chế cho phép DN được phát hành dưới mệnh giá. Nếu con đường này vẫn phải chờ sửa đổi Luật Chứng khoán, cũng như các quy định pháp lý liên quan, thì các DN niêm yết cho rằng, các cấp quản lý cần tìm thêm những con đường khác, để gia tăng cơ hội cho DN huy động vốn qua TTCK.

Theo đó, trong bối cảnh nguồn lực của các NĐT trong nước có hạn, UBCK, các Sở GDCK cần gia tăng các hoạt động quảng bá về TTCK Việt Nam, cũng như tạo cơ hội cho các DN tiếp xúc với NĐT nước ngoài, nhằm tăng cơ hội cho DN huy động vốn từ khu vực rất nhiều tiềm năng này. UBCK, các Sở GDCK hiện có mối quan hệ rộng với các định chế tài chính, các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài, cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo kêu gọi NĐT nước ngoài đầu tư vào TTCK.

Thông qua các diễn đàn này, các DN niêm yết sẽ có thêm cơ hội tiếp xúc, kết nối với NĐT nước ngoài, qua đó mở ra định hướng hợp tác, trong đó có cả việc NĐT ngoại tham gia các đợt phát hành tăng vốn của DN…

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Tài chính, được tổ chức gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình hứa sẽ điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, để hỗ trợ cho sự phát triển sôi động hơn của TTCK trong năm nay. Để phần nào hiện thực hóa lời hứa này, theo các thành viên thị trường, biện pháp thiết thực đầu tiên cần thực hiện là NHNN sớm đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất.

Trên thực tế, vốn đưa vào TTCK là chảy tới DN, nên không hợp lý khi đưa tín dụng cho chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất. Mặt khác, Bộ Tài chính, NHNN cũng cần triển khai thêm các giải pháp đồng bộ, để giúp DN thuận lợi hơn khi huy động vốn qua phát hành trái phiếu, thay vì để kênh này gần như bất động như hiện nay.        

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục