Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải pháp của mọi giải pháp là minh bạch

(ĐTCK-online) Trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến ngành tài chính chiều 24/11/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều vấn đề rất khó đưa ra giải pháp chi tiết, nhưng ý kiến cá nhân của Bộ trưởng là giải pháp của mọi giải pháp chính là sự minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ

Theo quan điểm của Bộ trưởng, có 3 cấp độ cần minh bạch, đó là minh bạch từ chủ trương, chính sách nhà nước, minh bạch trong việc thực thi chính sách nhà nước, cụ thể là minh bạch về công việc của các cán bộ, công chức và thứ ba là minh bạch số liệu của các doanh nghiệp.

Liên quan đến TTCK, tuần qua, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố công khai các nhiệm vụ cơ quan này thực hiện từ nay đến cuối năm và trong năm 2012. Theo quan điểm của Bộ trưởng, TTCK có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, đồng thời thị trường là tấm gương phản ánh và gắn liền với hoạt động kinh tế vĩ mô. Bộ Tài chính sẽ quyết tâm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhằm cung cấp hàng hóa đa dạng và có chất lượng cho thị trường, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của cử tri về đề án tái cấu trúc DNNN, Bộ trưởng cho biết, Đề án tái cấu trúc DNNN trên phương diện tài chính, trong đó có tình hình vay nợ, sẽ được Bộ trình Chính phủ trong tháng 12 tới. Bộ đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đưa ra đánh giá xác thực về bức tranh tài chính, cơ cấu nợ của các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ các giải pháp cụ thể để tái cấu trúc hiệu quả khu vực DN này.

Liên quan đến khoản lỗ khổng lồ của EVN, Bộ trưởng cho biết, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2010-2011 là 4.552 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư vào viễn thông 2.000 tỷ đồng. Năm 2010, EVN lỗ 23.500 tỷ đồng, trong đó lỗ do kinh doanh điện 8.040 tỷ đồng, còn lại do chênh lệch tỷ giá. Năm 2011, EVN dự kiến lỗ 11.000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm nay  lỗ 680 tỷ đồng.

Về khoản lỗ của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, 8 tháng đầu năm 2011, DN này lỗ 1.800 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 1.600 tỷ đồng.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục