Hụt hơi trên sàn chứng khoán: Tiền từ sàn vàng đâu?

(ĐTCK-online) Ngay sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư vàng trên tài khoản, không ít NĐT và cả các CTCK cũng kỳ vọng về một lượng tiền lớn sẽ đổ từ vàng sang chứng khoán. Nhưng, thực tế việc này đến đâu?
Trên thực thế, đến thời điểm này, các sàn giao dịch vàng vẫn hoạt động, dù lượng giao dịch đã giảm mạnh. Ảnh: Hoài Nam Trên thực thế, đến thời điểm này, các sàn giao dịch vàng vẫn hoạt động, dù lượng giao dịch đã giảm mạnh. Ảnh: Hoài Nam

Lượng hoá tiền từ sàn vàng

Theo thống kê sơ bộ từ 4 sàn giao dịch lớn (sàn vàng ACB, VGB, SBJ, VTG), lượng vàng giao dịch bình quân giai đoạn trước đạt khoảng 1,1 triệu lượng mỗi ngày (trước quyết định đóng của sàn vàng). Ngoài các sàn kể trên, giao dịch vàng trên tài khoản của một số công ty khác cũng có, nhưng tính thanh khoản thấp nên tạm thời không đề cập đến.

Giả thiết với giá giao dịch vàng là 25 triệu đồng/lượng, NĐT trong ngày chỉ có mua hoặc bán. Như vậy, tổng giá trị giao dịch mỗi phiên tính cho toàn bộ thị trường khoảng 27.500 tỷ đồng, tương đương khối lượng lưu thông tiền trong tổng tài khoản NĐT khoảng 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ số tiền mà NĐT phải bỏ ra để giao dịch mua bán 1,1 triệu lượng vàng, mà thực tế, họ chỉ cần ký quỹ tối đa 7% giá trị. Điều này có nghĩa, số tiền bỏ ra giao dịch thực tế khoảng 3.850 tỷ đồng.

Con số 3.850 tỷ đồng không đồng nghĩa với việc NĐT giao dịch tất tay mỗi ngày, nhưng bù trừ cho thực tế, NĐT có xu hướng mua và bán ngay trong ngày để tránh rủi ro diễn biến không tích cực của giá vàng thế giới qua đêm, nên tạm ước tính con số tiền đổ vào vàng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu giả thiết 4.000 tỷ đồng trên là "tiền thịt", và sau khi đóng cửa các sàn vàng, toàn bộ NĐT lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán thay thế vàng (chứ không phải là kinh doanh vàng… chui, đầu tư bất động sản, kinh doanh ngoại tệ ngoài chợ đen hoặc kinh doanh lĩnh vực khác, gửi tiết kiệm…) thì dòng tiền của TTCK sẽ có thêm 4.000 tỷ đồng.

 

Trách nhiệm của những khuyến nghị

Trên thực tế, đến thời điểm này, các sàn giao dịch vàng vẫn hoạt động, và họ vẫn còn hơn 2 tháng để chuẩn bị cho công việc tất toán trước thời hạn 30/3. Lượng giao dịch vàng trên các sàn dù đã giảm mạnh (giảm khoảng 85 - 90%) so với bình thường, nhưng không đồng nghĩa với việc NĐT trên sàn vàng rút hoàn toàn khỏi lĩnh vực này do tâm lý chờ đợi "phép màu", cho một hình thức kinh doanh vàng trá hình mới (mà một số công ty đã và đang manh nha ý định triển khai). Thêm vào đó, không ít NĐT vàng cũng chính là người đầu tư chứng khoán, và mục tiêu của họ khi tham gia đầu tư vàng không chỉ là kiếm siêu lợi nhuận (do đòn bẩy lớn), mà còn là mục tiêu phân tán rủi ro thông qua nhiều kênh khác nhau. Do đó, khả năng để họ lựa chọn một kênh đầu tư khác thay vì tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán sẽ lớn hơn nhiều.

Vì vậy, việc không ít CTCK trong các phân tích đầu năm 2010 nhận định rằng, sẽ có lượng tiền lớn chảy từ vàng sang chứng khoán xem ra có vẻ… hơi vội vàng. Thậm chí, đã có CTCK còn mạnh dạn khuyến nghị, với sự hỗ trợ của dòng tiền từ vàng chảy sang chứng khoán, tâm lý hưng phấn của NĐT có thể sẽ khiến cho VN-Index chạm ngưỡng 550 đến 600 điểm trong tháng 1/2010, trong khi họ chưa lượng hóa được dòng tiền thực sự trong đầu tư vàng và cũng chưa nghiên cứu thực tế dòng chảy này. Thực tế, tiền không chảy ngay từ vàng sang chứng khoán, và một số ý kiến còn cho rằng, số tiền chảy sang chứng khoán có thể chỉ là 10-50% lượng tiền từ đầu tư vàng. Ngay cả khi NĐT tập trung tiền cho chứng khoán thay vì kinh doanh vàng, thì số tiền mấy nghìn tỷ đồng cũng chỉ tương ứng với… một hai NĐT "cá mập". Do đó, nếu nói rằng, lượng tiền này có thể tác động mạnh đến VN-Index, làm thay đổi tương quan cung cầu trên thị trường là không thực sự chính xác. Có lẽ, đây là một trong những lý do khiến thị trường thay vì có xu hướng giảm điểm vào ngày giao dịch cuối năm như dự báo của các NĐT lớn, đã có chu kỳ tăng đến hết ngày 6/1, trước khi có sự sụt giảm liên tiếp vì… hụt hơi dòng tiền (dù không thể phủ nhận rằng, đợt giảm này cũng là hệ quả của việc NĐT lo ngại NHNN có thể sẽ quyết định tăng lãi suất cơ bản).

Điều này một lần nữa cho thấy rằng, nếu NĐT nghe theo khuyến nghị một cách vội vàng, chỉ căn cứ vào một vài thông tin chung chung để nhận định về dòng tiền, về xu hướng thị trường... Đằng sau những khuyến nghị vội vàng là trách nhiệm phải xem xét lại chất lượng phân tích của các đơn vị tư vấn đầu tư. Giá như, trong bản phân tích của các CTCK, không chỉ đơn thuần khuyến nghị xu hướng chung, họ có thể chỉ ra giúp NĐT những cơ hội đầu tư giá trị thì sẽ tốt biết bao!

Hoàng Hương
Hoàng Hương

Tin cùng chuyên mục