Hướng đi mới trong việc quản lý công ty đại chúng

(ĐTCK-online) Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi UBCK ban hành Công văn số 1044/UBCK-QLPH đề ra lộ trình để công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), nhưng đến nay vẫn có quá ít DN thực hiện. Làm thế nào để CTÐC thực hiện lưu ký như một nhu cầu tự thân đang là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý. ÐTCK đã phỏng vấn ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán - VSD.
Ông Phạm Trung Minh. Ông Phạm Trung Minh.

Sau khi UBCK ban hành Công văn số 1044, các CTĐC đã thực hiện ra sao?

Tính đến ngày 8/9, mới có 19 CTĐC hoàn tất thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD, trong đó 18 công ty đã và sẽ thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Ngoài ra, có khoảng 30 công ty gửi văn bản đăng ký lộ trình thời gian thực hiện đăng ký chứng khoán tại VSD. Có thể nói, so với số lượng CTĐC đã đăng ký với UBCK (gần 1.000 DN), số lượng CTĐC đăng ký chứng khoán còn quá ít.

Đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này, thưa ông?

Khi thực hiện đăng ký chứng khoán, hồ sơ của CTĐC chưa niêm yết có một số điểm đơn giản hơn so với chứng khoán niêm yết. Do yêu cầu bắt buộc phải có CTCK tư vấn nên không quá khó khăn cho DN trong việc tiếp cận thủ tục làm hồ sơ. DN chỉ cần cung cấp đầy đủ và chính xác hai thông tin chính là thông tin về người sở hữu chứng khoán và thông tin về chứng khoán. Thực tế, khi VSD xử lý hồ sơ thì phát hiện một số khúc mắc như chênh lệch giữa vốn điều lệ và vốn thực góp, vấn đề liên quan đến phát hành cổ phiếu… Tuy nhiên, tất cả đều có thể có hướng giải quyết và chỉnh sửa cho đúng các quy định hiện hành. Nếu vượt thẩm quyền của VSD thì chúng tôi báo cáo ngay UBCK để xin ý kiến và làm mọi cách tốt nhất để DN có thể thực hiện đăng ký chứng khoán. Hiện tại, khi DN thực hiện đăng ký chứng khoán và thực hiện các quyền lợi liên quan đến chứng khoán, VSD đều không thu phí. Do đó, lo ngại về thủ tục hoặc chi phí không phải là nguyên nhân.

Nguyên nhân quan trọng, đó là do quan điểm của lãnh đạo DN chưa muốn đưa chứng khoán lên sàn giao dịch thời điểm này do nếu thực hiện đăng ký chứng khoán ngay với VSD mà không lên sàn thì cổ đông không thể thực hiện chuyển nhượng ở bên ngoài. Ngoài ra, có thể có lý do liên quan đến việc khi đã đăng ký tập trung tại VSD và lên sàn thì phải công bố thông tin công khai, minh bạch hơn, trong khi nếu không thực hiện thì không bị sự giám sát của cơ quan quản lý.   

Sau khi đăng ký, lưu ký chứng khoán mà không lên sàn thì cổ đông không thể chuyển nhượng ở bên ngoài. Vậy họ muốn chuyển nhượng thì làm thế nào?

Về phía VSD, với nền tảng công nghệ và con người hiện tại, bên cạnh việc đăng ký chứng khoán, chúng tôi có thể triển khai việc chuyển nhượng cho NĐT. Tuy nhiên, theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ thì VSD chỉ thực hiện chuyển nhượng đối với các giao dịch mua bán chứng khoán chưa niêm yết được thực hiện tại CTCK và chuyển về VSD thông qua hệ thống của Sở GDCK Hà Nội (HNX). Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý đang tìm cách tháo gỡ. Theo tôi được biết, cơ quan quản lý tính đến các giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho thị trường UPCoM, nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, trong đó có giải pháp mở rộng UPCoM, tức là chứng khoán của CTĐC sau khi thực hiện đăng ký tại VSD sẽ được giao dịch tại các sàn do CTCK tổ chức, kết nối với nhau và chỉ phải gửi báo cáo qua HNX để tổng hợp và chuyển sang VSD làm thanh toán. Tất nhiên, đây mới chỉ là hướng đề xuất.

Ở góc độ thanh khoản, việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM là đáng khích lệ. Nhiều mã cổ phiếu trước đây không có hoặc rất ít giao dịch, nhưng hiện tại mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm ngàn cổ phiếu được chuyển nhượng. Trong số hàng trăm CTĐC đang hoạt động, không phải DN nào cũng tạo điều kiện tốt cho NĐT chuyển nhượng cổ phiếu, thậm chí có cổ phiếu không có giao dịch từ rất lâu. Vì thế, việc đưa chứng khoán lên sàn là nguyện vọng chính đáng, cần thiết của cổ đông, vấn đề nằm ở nhận thức của lãnh đạo DN mà thôi.

Chậm đăng ký chứng khoán, CTĐC chỉ bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Mức xử phạt quá nhẹ này có là nguyên nhân khiến các DN cố tình kéo dài, thưa ông?

Đúng là mức phạt này chưa đủ tính răn đe với DN. Một bất cập nữa là số tiền phạt đó "nhắm" vào DN, chứ không phải là các cá nhân có trách nhiệm trong DN. Do đó, cho dù tiền phạt có lớn thì đó cũng là tiền cổ đông và cổ đông là người chịu thiệt thòi. Tôi nghĩ, bên cạnh xử phạt tiền thì cần nghiên cứu thêm hình phạt bổ sung. Chẳng hạn, đối với những DN chậm đăng ký có thể không được phát hành hoặc niêm yết trong một khoảng thời gian.

VSD có kiến nghị gì để việc đăng ký của CTĐC được nhanh hơn?

Chúng tôi vừa kiến nghị UBCK tiếp tục có văn bản đôn đốc các CTĐC thực hiện nghiêm Công văn số 1044. CTĐC cũng cần đăng ký thời gian thực hiện cụ thể để VSD chủ động phân bổ công việc. Ngoài ra, còn một số kiến nghị mang tính chất kỹ thuật trong việc xử lý hồ sơ tại VSD và đề xuất sự phối hợp giữa VSD và cơ quan quản lý.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ