Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với trường hợp việc mua sắm xe ô tô chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, xe chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo phù hợp với quy định về tiêu chuẩn, định mức đã quy định trước ngày 1/1/2018 (Quyết định số 3 ngày 4/8/2015 của Thủ tướng) đã thực hiện một hoặc một số thủ tục để lựa chọn nhà cung cấp theo quy định của pháp luật thì được tiếp tục thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định của pháp luật.
Các thủ tục lựa chọn nhà cung cấp bao gồm phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đăng thông báo mời thầu, đóng thầu, mở thầu, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; thương thảo và ký kết hợp đồng trước ngày 1/1/2018.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí mua xe được sắp xếp, bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao của cơ quan, đơn vị đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Số xe này được tính vào số ô tô của cơ quan, đơn vị sắp xếp lại, xử lý theo quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe sau khi Nghị định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành.
Theo Bộ Tài chính, khi kê khai và mua sắm xe công, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cần xác nhận và chịu trách nhiệm về tính phù hợp của việc mua xe với các quy định được áp dụng trước ngày 1/1/2018 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước cần chỉ đạo các đơn vị các cấp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu ngân sách Nhà nước cho việc mua sắm xe công theo đúng quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức đơn vị kịp thời phản ánh để Bộ Tài chính được phối hợp giải quyết”, công văn của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Hiện, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công và lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng có liên quan. Theo dự thảo, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công, khoán kinh phí, thuê dịch vụ ô tô và sắp xếp, xử lý xe công, sẽ gồm: Ô tô phục vụ công tác các chức danh; Xe phục vụ công tác chung; Xe chuyên dùng; Xe phục vụ lễ tân Nhà nước.
Theo dự kiến, 4 chức danh cấp cao nhất được sử dụng thường xuyên một xe ô tô kể cả khi đã nghỉ công tác và không quy định mức giá, gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban CHTW Đảng, các Phó chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm UBKTTW Đảng, Chánh án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Bí thư Hà Nội, Bí thư TP.HCM và các chức danh tương đương, các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên. Trong đó, Thủ tướng sẽ căn cứ vào thời điểm trang bị xe để quyết định giá mua.
Cũng theo dự thảo Nghị định, các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác gồm Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Uỷ viên BCH Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ… và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên…
Các chức danh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng mỗi xe gồm các chức danh tiêu chuẩn như Phó trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ban của Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó chánh tòa án nhân dân tối cao, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, Phó tổng cục trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên…