Tích cực trong ngắn hạn
Theo HSBC, chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam tăng tới 127 điểm trong nửa sau năm 2015 so với 120 điểm một năm về trước, cao hơn hẳn so Malaysia và Indonesia trong cùng kỳ.
Gần 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát nghĩ rằng khối lượng thương mại sẽ tăng trong vòng 6 tháng tới nhưng con số này thấp hơn sáu tháng trước (66%). Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ chỉ thay đổi nhỏ đã tăng gấp đôi trong cùng kỳ, cho thấy sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được các doanh nghiệp nhìn nhận.
Mặc dù những bi quan ngày càng gia tăng về Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn tích cực về châu Á. Trong đó, 9% doanh nghiệp coi khu vực này là cơ hội lớn nhất cho tăng trưởng kinh doanh toàn cầu, mặc dù ít hơn so với tỷ lệ 16% trong khảo sát trước, nhưng 70% vẫn coi đây là khu vực chủ chốt để giao thương.
Triển vọng trong dài hạn
HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,1% trong giai đoạn 2021 - 2030, ít thay đổi so với giai đoạn 2015- 2020.
Dòng FDI mạnh mẽ trong những năm gần đây góp phần đa dạng hóa xuất khẩu của Việt Nam và dần dần đưa đất nước thâm nhập vào các khu vực đóng góp giá trị cao hơn, đáng chú ý là thiết bị công nghệ thông tin hiện đang chiếm 25% trong xuất khẩu, tăng từ mức chưa tới 10% năm năm về trước.
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và với tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 15% trong giai đoạn 2021 - 2030, vị trí hàng đầu của đối tác này sẽ vẫn không thay đổi vào năm 2030. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong cùng giai đoạn…
Đồng thời, lực lượng lao động lớn và đang tiếp tục gia tăng, trẻ và có tay nghề ngày càng cao tiếp tục hấp dẫn những nhà sản xuất các mặt hàng có giá trị không cao như quần áo và phụ liệu gia nhập thị trường Việt Nam.
Tốc độ tự do hóa thương mại nhanh cũng đem lại lợi thế cho Việt Nam so với các nước còn lại của châu Á, châu Mỹ và châu Âu, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Các điều khoản về đầu tư và dịch vụ trong TPP sẽ đưa tới động lực để cải cách, đáng kể nhất là tự do hóa một số lĩnh vực quan trọng.
Các hành lang xuất, nhập khẩu đáng chú ý
Báo cáo của HSBC cho biết, thiết bị công nghệ thông tin hiện là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sự thành công của Việt Nam trong việc đa dạng hóa xuất khẩu trong những năm gần đây được minh họa bởi tỷ lệ thiết bị công nghệ thông tin trong tổng xuất khẩu, tỷ lệ này đã tăng từ ít hơn 10% năm năm về trước tới mức một phần tư tổng xuất khẩu hiện tại. Thiết bị công nghệ thông tin còn được dự báo sẽ đóng góp 19% vào tổng mức tăng xuất khẩu trong giai đoạn 2021 - 2030, từ mức 14% của giai đoạn 2015 - 2020.
Cụ thể, Samsung mở nhà máy điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 và là công ty dẫn đầu cho mức tăng trưởng này. Nhà máy đầu tiên của họ đã tăng gấp đôi sản lượng mỗi năm từ năm 2009 và Công ty tiếp tục xây dựng nhà máy thứ hai vào năm 2013. Cuối năm 2014, Công ty có kế hoạch công bố xây thêm hai nhà máy nữa; một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng trị giá 600 triệu USD và một nhà máy điện thoại thông minh trị giá 3 tỷ USD. Thêm vào đó, LG, Microsoft và Intel cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam xếp hạng 76 trên thế giới về cơ sở hạ tầng, theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp sau Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.
Phản ánh nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng, chúng tôi kỳ vọng máy móc công nghiệp sẽ đóng góp khoảng một phần tư khối lượng nhập khẩu tăng lên trong giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ này ít thay đổi so với giai đoạn 2015 – 2020”, HSBC nhận định.
Báo cáo HSBC còn nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và với tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 15% trong giai đoạn 2021 - 2030, vị trí hàng đầu của đối tác này sẽ vẫn không thay đổi vào năm 2030. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong cùng giai đoạn…
Oxford Economics lập các báo cáo dự báo thương mại song phương về hàng hóa (tổng xuất/nhập khẩu) được thiết kế riêng cho HSBC dựa trên các phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu của HSBC. Oxfort Economics sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống, kết hợp với hệ thống mô hình của riêng mình để đảm bảo tính nhất quán giữa dự báo về tăng trưởng kinh tế của HSBC và tỷ giá tại các nước quan trọng cũng như những dự báo chi tiết hơn về thương mại song phương được trình bày tại đây. Oxford Economics sử dụng mô hình khảo sát toàn cầu với dự báo thương mại song phương được xây dựng như một hàm số của nhu cầu cuối cùng tại thị trường mua và tính cạnh tranh nhà xuất khẩu (đo bằng chi phí nhân công tương đối). Tình hình nhập khẩu, xuất khẩu, và cán cân thương mại được phản ánh trong báo cáo dưới dạng các ước tính được ghi lại từ trước đến nay và các dự báo cho giai đoạn 2014- 2016, 2017 - 2020, và 2021 - 2030. Những dự báo thương mại song phương này cũng được phân chia theo lĩnh vực sử dụng dự báo công nghiệp của Oxford Economics để thông báo các xu hướng sản xuất trong tương lai. Các lĩnh vực được phân loại dựa theo “Tiêu Chuẩn Phân Loại Thương Mại Quốc Tế” (SITC) của Liên Hiệp Quốc (UN) và được chia thành 30 nhóm ngành. Oxford Economics lập một báo cáo toàn cầu cho HSBC cũng như các báo cáo của các quốc gia: Hồng Kong, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam, Bangladesh, Canada, Mỹ, Brazil, Mexico, Argentina, Anh quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ba Lan, Ireland, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ả Rập Saudi và Ai Cập. Các phân tích cũng bao gồm thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc tạo nên tổng mẫu là 25 quốc gia chủ chốt tham gia thương mại. |