HSBC: Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi thành nền sản xuất công nghệ chủ chốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã và đang bùng nổ nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ khá ổn định. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện nguồn lực nhân sự và cơ sở hạ tầng để chuyển dịch lên chuỗi giá trị.
HSBC: Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi thành nền sản xuất công nghệ chủ chốt

FDI ngành công nghệ là chủ chốt

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa giới thiệu Báo cáo Vietnam at a glance mới với chủ đề “Sự quan tâm các mặt hàng công nghệ không bị gián đoạn" cho biết, Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ đại dịch, một phần là do xuất khẩu hàng điện tử phát triển khá tốt.

Nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi thành nền sản xuất công nghệ chủ chốt, giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.

Đánh giá trong báo cáo, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á tại HSBC, bà Yun Liu nhận định: “Việc chuyển hướng chuỗi cung ứng đã làm gia tăng mối quan tâm của các đại gia công nghệ tại Việt Nam, một xu hướng có thể đang bị dịch COVID-19 làm chững lại nhưng sẽ không dừng lại”.

Hai vấn đề cần cải thiện

Báo cáo của HSBC đặt vấn đề, làm thế nào để nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong tương lai vẫn là một nhiệm vụ ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn leo lên chuỗi giá trị.

Theo bà Yun Liu, nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao năng suất lao động thông qua giáo dục, đào tạo tay nghề có chất lượng tốt hơn và được thiết kế phù hợp hơn. Việc sẵn có lao động để chuyển sang lĩnh vực sản xuất năng suất cao hơn là một cơ hội, vì hơn một phần ba lực lượng lao động của Việt Nam vẫn tập trung trong nông nghiệp, thiếu năng suất là một thách thức (Biểu đồ 6).

“Xét cho cùng, một tỷ lệ lớn (33%) lực lượng lao động vẫn ở nhóm nghề không có tay nghề do vẫn còn thiếu lao động có trình độ để thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Do đó, các biện pháp như cải thiện giáo dục đại học và phát triển các chương trình đào tạo theo ngành cụ thể cho công nhân kỹ thuật chỉ là một số ví dụ cần thiết để trang bị tốt hơn cho nguồn nhân lực của mình”, bà Yun Liu nhận định.

Ngoài ra, theo bà Yun Liu, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam luôn ở mức cao, nhưng chất lượng của nó vẫn thua các nền kinh tế ASEAN khác, cản trở tiềm năng sản xuất của Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhấn mạnh trong các ghi chú trước đây rằng hợp tác công - tư (PPP) là một giải pháp lý tưởng để cân bằng giữa nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Việt Nam và gánh nặng nợ công đang gia tăng. Thực sự đáng khích lệ khi thấy các cơ quan chức năng đang tiến hành cải cách cơ cấu theo hướng này và việc thực hiện hiệu quả Luật PPP sửa đổi sẽ là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án lớn này”, bà Yun Liu nói.

Sự lạc quan vẫn tiếp tục, nhưng cẩn trọng vẫn thật sự cần thiết

Số liệu tháng 1 của Việt Nam cho thấy, năm 2021 bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao, thể hiện qua những số liệu xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi sự ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, phần lớn sự tăng trưởng là do các lô hàng điện tử tăng vọt nhờ chu kỳ điện thoại thông minh hiện tại.

Tuy nhiên, PMI báo hiệu một sự giảm nhẹ trở lại trong tháng 1, khi chỉ số này giảm tốc xuống 51,3. Bức tranh toàn cảnh khá hỗn hợp.

Một diễn biến quan trọng khác vào đầu năm 2021 là một đợt bùng phát COVID-19 mới bắt đầu từ ngày 27/1. Kể từ đó, khoảng 400 trường hợp mới đã được phát hiện. Mặc dù Việt Nam đã vượt trội hơn kể từ sau đại dịch, nhưng HSBC vẫn cho rằng, cần cẩn trọng vì làn sóng thứ ba có thể gây ra những rủi ro xấu cho sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng và du lịch trong nước.

“Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ các chính sách tài khóa có mục tiêu hơn cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và người lao động”, bà Yun Liu nêu quan điểm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục