Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Đây sẽ là bệ phóng tốt cho nền kinh tế bước sang năm 2021 vững vàng hơn, đặc biệt là chú trọng vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Hoạt động nghiên cứu, phát triển có vai trò quyết định đến hiệu quả của doanh nghiệp trong dài hạn. Hoạt động nghiên cứu, phát triển có vai trò quyết định đến hiệu quả của doanh nghiệp trong dài hạn.

Cú sốc Covid-19 thay đổi hành vi

Năm 2020, nền kinh tế thế giới bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 17/1/2021, thế giới đã ghi nhận hơn 95 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 2 triệu ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19. Đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020, làm cho tăng trưởng ở mức âm 3%. Hầu hết các nền kinh tế lớn - ngoại trừ Trung Quốc - có tốc độ tăng trưởng âm: Mỹ (-5,9%); Anh: (-6,5%); EU: (-7,5%).

Việt Nam được thế giới ca ngợi là “hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19”. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986, nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Chúng ta có thể thấy khá rõ, đại dịch có tác động khác nhau theo nhóm ngành. Những ngành có sự tiếp xúc giữa người với người lớn - ngoại trừ các ngành sản xuất vật tư, thiết bị y tế phòng chống, chữa bệnh - có tăng trưởng giảm mạnh, thậm chí sụt giảm, nặng nhất là dịch vụ, đặc biệt là du lịch, vận tải, nhà hàng...

Trong khi đó, các ngành kinh tế phi tiếp xúc (14 ngành, hầu hết các ngành các ngành kinh tế số) chịu tác động tích cực mạnh nhất, nhất là giáo dục từ xa, thanh toán điện tử… và các ngành có đầu vào là sản phẩm từ dầu/khí (nhựa, ure, cao su); những tác động đa chiều này thúc đẩy tái cơ cấu/chuyển dịch cơ cấu cũng như cắt giảm chi phí kinh doanh và thay đổi quản trị doanh nghiệp các ngành.

Tác động đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng mang tính đa chiều, nhìn chung tích cực, nhất là thị trường chứng khoán do tăng giao dịch và số lượng nhà đầu tư; tuy nhiên, hạn chế ở Việt Nam là sự bùng nổ giá chứng khoán, lợi nhuận công ty chứng khoán không kéo theo số lượng/giá trị IPO mới hay cổ phần hóa.

Covid-19 tác động làm suy giảm nhiều chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng như hệ số ICOR, tăng từ 6,08 năm 2019 lên 14,28 năm 2020; đóng góp của TFP vào GDP giảm từ 47,71% năm 2019 xuống còn 37,48% năm 2020; tăng trưởng năng suất lao động giảm từ 6,28% năm 2019 xuống còn 5,4% năm 2020.

Tuy nhiên, các chỉ số này có khả năng được cải thiện khi đại dịch Covid-19 đi qua và tăng trưởng kinh tế nước ta phục hồi lại vào năm 2021 (như dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như của Viện Kinh tế Việt Nam).

Điều cần lưu ý hơn cả là đại dịch làm thay đổi hành vi của người dân, doanh nhân trong cách thức sinh hoạt, chi tiêu và tiếp xúc, tương tác với nhau; điều này cũng buộc doanh nghiệp thay đổi cách thức quản trị, ứng xử với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cách thức tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như cách thức giao tiếp giữa doanh nghiệp với nhau và các cơ quan chính phủ, tổ chức liên quan.

Đến lượt, các chính phủ cũng phải thay đổi cách thức quản lý, giám sát, đặc biệt là cách can thiệp vào nền kinh tế nhằm ứng phó bệnh dịch và giảm nhẹ tổn hại về kinh tế, nhân lực và ổn định xã hội.

Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo phương pháp phân tích kết hợp hồi quy liên vùng với phân tích trường hợp điển hình, dựa trên bộ số liệu gồm 95 nền kinh tế trong giai đoạn 1980 - 2017, 1% gia tăng của tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển (R&D) so với GDP sẽ làm tăng GDP bình quân đầu 2,1%.

Vì vậy, nếu trong giai đoạn 1980 - 2017, Việt Nam tăng tỷ lệ chi tiêu cho R&D so với GDP thêm 0,72%, thì nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người gần như Hàn Quốc (5,76%) và Trung Quốc (5,16%).

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia mô phỏng công nghệ nên chi tiêu cho R&D tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế (so với các quốc gia thuộc nhóm sáng tạo công nghệ). Bên cạnh đó, vốn nhân lực cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này hàm ý rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới nên chú trọng vào đầu tư cho đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo Việt Nam có R&D chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 10%) nhưng đang có xu hướng tăng dù tốc độ tăng trưởng chưa thực sự mạnh mẽ.

Ở cấp độ doanh nghiệp, R&D tác động rất tích cực đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến chế tạo Việt Nam có R&D chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 10%) nhưng đang có xu hướng tăng dù tốc độ tăng trưởng chưa thực sự mạnh mẽ.

Đáng chú ý, quy mô doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng lớn tới hoạt động R&D của doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp lớn ngày càng chú trọng đầu tư vào R&D thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ dần sụt giảm. Có sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp quy mô lớn.

Như vậy, nguồn vốn vẫn là rào cản lớn trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho R&D.

Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị để tiếp nhận cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) chứ chưa nói tới chuyện tận dụng nó để đưa Việt Nam “tiến vượt”.

Kết quả điều tra cho thấy, dưới 15% doanh nghiệp có ý tưởng về tích hợp “yếu tố CMCN 4.0” vào chiến lược phát triển doanh nghiệp. Và chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đã xây dựng và đang thực hiện chiến lược CMCN 4.0.

Trong khi, có hơn 77% doanh nghiệp được điều tra không sử dụng bất cứ công nghệ nào được xem là nền tảng của cuộc cách mạng này từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, Internet kết nối vạn vật (IoT)…

Điều này đòi hỏi Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp nhận thức được rõ hơn về CMCN 4.0 cũng như giúp doanh nghiệp tận dụng nó để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tận dụng cơ hội từ thị trường chứng khoán

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ.

Vắc-xin phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thụy Sỹ... và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021.

Gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021. Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.

Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).

Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

Mục tiêu của các gói kích thích tiếp theo vẫn không nên và không thể cứu tất các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nợ; chính vì vậy, khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của ngành từ đại dịch.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.

TS. Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục