Trong số đó, phát triển bền vững là yếu tố quan trọng nổi bật.
Báo cáo cho thấy 30% các doanh nghiệp Trung Quốc coi phát triển bền vững đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phồn thịnh lâu dài của công ty, tỷ lệ này cao hơn toàn cầu (21%) và châu Á - Thái Bình Dương (24%).
Ông Stuart Tait, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp của HSBC, tin rằng sự hứng thú của các công ty Trung Quốc với yếu tố xanh đến từ sự cạnh tranh mạnh mẽ về phát triển bền vững của các công ty đối thủ.
Ông Tait cũng cho rằng “sức nóng của phát triển xanh nên được xem như lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.”
“Các công ty toàn cầu sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội giao thương với Trung Quốc nếu họ có thể đáp ứng hoặc nâng cao các chuẩn mực về phát triển bền vững của Trung Quốc,” ông Tait phát biểu.
Báo cáo Giao thương với Trung Quốc khảo sát 1.758 công ty tại 34 thị trường, cũng là các doanh nghiệp đã tham gia cuộc khảo sát HSBC Navigator vừa mới công bố vào ngày 5 tháng 11 vừa qua.
Báo cáo Giao thương với Trung Quốc tìm hiểu những công ty nào đang tiến hành giao thương với Trung Quốc, tại sao và những gì nên được lưu tâm hàng đầu. Hai phần ba các công ty tham gia khảo sát (1.173 công ty) hiện tại đang có giao thương với Trung Quốc và một phần ba (585 công ty) dự định sẽ tiến hành giao thương với thị trường này trong vòng 3 - 5 năm tới.
Tầm quan trọng của phát triển bền vững tại Trung Quốc
Chính sách của chính phủ và nhu cầu tiêu dùng đang khiến các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đến phát triển bền vững. Dữ liệu từ báo cáo Giao thương với Trung Quốc cho thấy nhu cầu này gia tăng tại Trung Quốc hơn các thị trường khác trên toàn cầu.
Ông Tait cho biết: “Các công ty Trung Quốc xem phát triển bền vững như một yếu tố mang tính kinh doanh hơn là môi trường. Cạnh tranh đang gia tăng, và các công ty Trung Quốc đang muốn chiếm lợi thế thông qua con đường phát triển bền vững.”
Chính quyền và các nhà lập pháp Trung Quốc cũng là chất xúc tác khiến cộng đồng doanh nghiệp “xanh hóa” việc kinh doanh của mình. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc hiện nay là kế hoạch phát triển hướng đến môi trường nhất: “tăng trưởng xanh” là một trong năm chủ đề chính của kế hoạch và 10 trong số 25 mục tiêu là về môi trường.
Ông Tait cũng chia sẻ rằng ý thức về môi trường của người tiêu dùng Trung Quốc và nhu cầu đối với các sản phẩm xanh ngày càng tăng khi thu nhập và trình độ giáo dục được nâng cao cũng như tiêu chuẩn sống được cải thiện.
Ông bổ sung: “Cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao này. Các công ty cần suy nghĩ về điều này nếu muốn thành công trong giao thương với Trung Quốc. Không đi theo xu thế phát triển bền vững tức là đánh mất lợi thế.”
Tiềm năng to lớn của ngành dịch vụ
Báo cáo Giao thương với Trung Quốc cũng đánh giá lý do các công ty tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh hoặc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Hai phần ba các công ty hiện đang giao dịch với Trung Quốc (67%) hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa, và họ coi Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa lớn nhất.
Trong khi đó, trong số các công ty dự định giao thương với Trung Quốc trong vòng 3-5 năm tới, tỷ lệ giữa các công ty hàng hóa và dịch vụ là 53% và 47%. Điều này nói lên tiềm năng chưa khai thác đủ của ngành dịch vụ tại Trung Quốc.
Ông Tait phát biểu: “Các công ty toàn cầu đang đặt cược vào sự tăng trưởng của ngành dịch vụ tại Trung Quốc. Hiện nay, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Trung Quốc còn nhỏ hơn tại các quốc gia phát triển, tuy nhiên nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính hoặc chuyên môn như kế toán và quảng cáo sẽ tăng khi kinh tế phát triển.”
Điểm thu hút chính: người tiêu dùng Trung Quốc
Dù giao thương trong lĩnh vực hàng hóa hay dịch vụ, dù đang giao thương hay có ý định giao thương, các công ty quốc tế đều đồng ý rằng thị trường tiêu dùng Trung Quốc là điểm hấp dẫn nhất. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thể đạt được một tỷ người vào năm 2025[1].
Nói về sức mạnh tiêu dùng của Trung Quốc, ông Tait giải thích rằng tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc được dẫn dắt bởi thu nhập khả dụng ngày càng tăng (bao gồm lương và thu nhập không phải lương, như khoản thu từ đầu tư); tầng lớp trung lưu chi tiêu ngày càng nhiều cho hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, và thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ khiến cho hàng hóa tiến gần hơn tới mọi vùng miền, khai thác tiềm năng tiêu dùng của khu vực nông thôn.
Ông kết luận: “Các công ty nước ngoài nhìn vào Trung Quốc và thấy một thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường bán lẻ Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vài năm tới, nhưng quy mô dân số khổng lồ cho thấy tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất cao.”
Theo Brookings Institution (Mỹ), năm 2030 Trung Quốc sẽ chiếm 22% tổng lượng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới, từ mức 12% vào năm 2015.
“Người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ giàu hơn, mà còn ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường, và chọn lọc hơn đối với các thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng của họ chính là nguồn lợi thật sự cho các doanh nghiệp toàn cầu.”