“Ký ức về vụ lo sợ giá thực phẩm ở châu Á năm 2008 vẫn còn in sâu. Trước đó, giá gạo tăng ở một số nền kinh tế nhanh chóng lan sang các thị trường khác khi người tiêu dùng và chính phủ trong khu vực tranh nhau để đảm bảo nguồn cung. Điều này cũng nâng giá các mặt hàng chủ lực khác, chẳng hạn như lúa mì khi người mua chuyển sang lựa chọn thay thế”, các nhà kinh tế của HSBC cho biết.
Giá xuất khẩu gạo từ Thái Lan đã tăng lên hơn 600 USD/tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Frederic Neumann, nhà kinh tế của HSBC, đó là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách vì không giống như cà chua và hành tây - những mặt hàng có xu hướng bình thường hóa nhanh chóng sau khi tăng đột biến do chu kỳ thu hoạch ngắn, giá gạo có thể duy trì ở mức cao lâu hơn nhiều.
Báo cáo cho thấy, nhập khẩu gạo toàn cầu tính theo tỷ trọng tiêu dùng đã tăng gần gấp đôi trong 25 năm qua và tăng khoảng 4% kể từ đợt lo ngại giá lương thực năm 2008. “Điều này có nghĩa là sự gián đoạn trong một nền kinh tế có thể có tác động lan tỏa sang các nền kinh tế khác lớn hơn nhiều so với trước đây”, nhà kinh tế Frederic Neumann cho biết.
Ngoài ra, tình trạng mưa thất thường và hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới đang cản trở mùa màng, giảm nguồn cung và đẩy chi phí lên cao. Việc quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ đã áp đặt hạn chế xuất khẩu gạo ra nước ngoài để làm giảm giá ở thị trường nội địa, đang tiếp tục hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Malaysia và Philippines là hai nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu gạo, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Các nền kinh tế khác như Indonesia cũng bị ảnh hưởng. Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore nhập khẩu toàn bộ gạo, nhưng hai thị trường này có thể dễ dàng đảm bảo nguồn cung.