Hôm thứ Sáu (8/9), Liên Hợp quốc cho biết, chỉ số giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) - theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu - đạt trung bình 121,4 điểm trong tháng 8 so với mức sửa đổi là 124 của tháng 7.
Số liệu tháng 7 ban đầu được đưa ra là 123,9 sau sự phục hồi từ mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 6.
Đồng thời, chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 8 là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và cũng thấp hơn 24% so với mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3/2022 sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.
Cơ quan này cho biết, sự sụt giảm chỉ số tổng thể là do sự sụt giảm của các sản phẩm sữa, dầu thực vật, thịt và ngũ cốc, mặc dù chỉ số giá gạo của FAO đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm sau các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ.
Chỉ số ngũ cốc của FAO đã giảm 0,7% so với tháng 7 do giá lúa mì giảm khi thu hoạch ở Bắc bán cầu tăng cao, trong khi chỉ số giá ngô giảm tháng thứ 7 liên tiếp xuống mức thấp gần ba năm, do áp lực bởi vụ mùa kỷ lục của Brazil và vụ thu hoạch sắp đến của Mỹ.
Ngược lại, chỉ số gạo của cơ quan này lại tăng gần 10% so với tháng trước do quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào tháng 7 đã làm gián đoạn thương mại tại thời điểm nguồn cung khan hiếm trước vụ thu hoạch vụ mới.
Chỉ số đường của FAO đã tăng 1,3% so với tháng trước trong tháng 8, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước, do mối lo ngại gia tăng về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đối với sản xuất toàn cầu.
Giá dầu thực vật giảm 3,1% trong tháng 8, trong khi giá sữa giảm 4% và là tháng giảm thứ tám liên tiếp phản ánh nguồn cung dồi dào ở châu Đại Dương và nhập khẩu từ Trung Quốc chậm hơn.
Trong một báo cáo riêng về cung cầu ngũ cốc, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm nay ở mức 2,815 tỷ tấn, giảm nhẹ so với ước tính trước đó là 2,819 tỷ tấn.
FAO cho biết việc điều chỉnh giảm chủ yếu phản ánh việc cắt giảm sản lượng lúa mì dự kiến do thời tiết khô ảnh hưởng đến sản lượng ở Canada và Liên minh châu Âu và mưa lớn ảnh hưởng đến cây trồng ở Trung Quốc.