Chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm liên tiếp trong một năm qua bất chấp lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đã giảm xuống còn 126,9 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và là tháng giảm thứ 12 liên tiếp.
Chỉ số giá lương thực toàn cầu giảm liên tiếp trong một năm qua bất chấp lạm phát

Chỉ số giá lương thực của FAO là "thước đo" sự thay đổi hằng tháng giá cả quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của FAO, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã giảm 2,1% xuống 126,9 điểm trong tháng 3, từ 129,7 điểm của tháng 2/2023, tháng giảm thứ 12 liên tiếp kể từ sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Chỉ số này đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

So với mức kỷ lục gần 160 điểm được thiết lập một năm trước, khi cuộc xung đột của Nga và Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, chỉ số này hiện đã giảm 21%, nhưng nó vẫn ở ngưỡng cao hơn gần 40% so với hai năm trước.

Theo FAO, các yếu tố như nguồn cung lương thực dồi dào, nhu cầu nhập khẩu yếu và việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã giúp chỉ số này tiếp tục giảm. Trong tháng 3 vừa qua, giá ngũ cốc, dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa đã thấp hơn, nhưng giá đường và giá thịt lại tăng.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 3 giảm 5,6% so với 2, lúa mì giảm 7,1%, ngô giảm 4,6%, gạo giảm 3,2% và sữa giảm 0,8%. Chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,0% so với tháng 2 và giảm khoảng 47,7% so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 3/2022.

Trong khi đó, chỉ số giá thịt tăng 0,8%, còn chỉ số giá đường tăng 1,5%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2016. Giá đường tăng do những lo ngại sản lượng đường ở Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc suy giảm.

Chỉ số giá lương thực-hàng hóa của Liên hợp quốc (UN) đã giảm liên tiếp trong 12 tháng. Nguồn: Bloomberg.

Chỉ số giá lương thực-hàng hóa của Liên hợp quốc (UN) đã giảm liên tiếp trong 12 tháng. Nguồn: Bloomberg.

Máximo Torero, nhà kinh tế trưởng tại FAO cho biết: “Giá lương thực toàn cầu nhìn chung đã giảm, song vẫn ở mức rất cao, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực".

Trong một báo cáo về ngũ cốc, FAO nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2023 lên 786 triệu tấn, thấp hơn 1,3% so với mức năm 2022 nhưng vẫn là mức cao thứ 2 từ trước đến nay. FAO ước tính trong giai đoạn 2022 - 2023, thế giới sẽ sử dụng khoảng 2,779 tỷ tấn ngũ cốc, giảm 0,7% so với mức sử dụng của năm 2021 - 2022. Lượng dự trữ ngũ cốc vào cuối niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm 0,3% so với đầu niên vụ, còn 850 triệu tấn.

Lạm phát tiếp tục leo thang ở nhiều quốc gia do các chi phí khác như năng lượng, lao động, vận chuyển và chế biến tăng cao. Ông Torero cho biết, ở nhiều nước đang phát triển, việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực khiến tình hình lạm phát càng trở nên tồi tệ hơn do đồng nội tệ yếu. Nhưng, tình hình ở các quốc gia giàu có hơn cũng không khá hơn khi giá cả ở khu vực này cũng tiếp tục tăng gây áp lực buộc các chính phủ phải phản ứng.

"Lạm phát giá lương thực vẫn là mối lo ngại nghiêm trọng ở nhiều quốc gia", ông Máximo Torero nhấn mạnh.

Diệp Anh
Theo Bloomberg

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục