Nguồn cung lương thực toàn cầu vẫn gặp rủi ro dù giá đầu vào giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá phân bón và cây trồng đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh sau ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine trong năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà phân tích nông nghiệp đã cảnh báo rằng nguồn cung cấp lương thực của thế giới vẫn đang bị đe dọa.
Nguồn cung lương thực toàn cầu vẫn gặp rủi ro dù giá đầu vào giảm

Giá lương thực đã tăng cao trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào đầu năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán và hoạt động tích trữ liên quan đến đại dịch Covid của các chính phủ và doanh nghiệp. Sau đó, giá phân bón cũng tăng vọt do Nga đóng vai trò là nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt - một thành phần quan trọng đối với phân bón nitơ - cũng gây áp lực lên thị trường nông sản.

Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen giữa Nga và Ukraine trong năm ngoái đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ giá thành ngũ cốc, cùng với nguồn cung dồi dào từ Nga, trong khi giá khí đốt tự nhiên thấp hơn đã làm dịu thị trường phân bón. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thỏa thuận ngũ cốc có thể bị phá vỡ, trong khi giá năng lượng biến động và biến đổi khí hậu cũng đe dọa làm suy yếu sản xuất cây trồng.

John Baffes, nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Nó giống như bay với một động cơ. Miễn là động cơ đó hoạt động thì không sao, nhưng nếu động cơ dừng thì sẽ có vấn đề. Nếu bất kỳ những rủi ro nào thành hiện thực, chúng ta sẽ thấy mức tăng giá rất, rất nhanh”.

Rủi ro trước mắt là thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ được gia hạn vào tháng 3. Bất kỳ sự thất bại nào trong việc gia hạn thoả thuận này đều sẽ chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, và khiến giá ngũ cốc tăng vọt trở lại.

Theo các quan chức Nga và châu Âu, trong khi nhiều loại cây trồng, cùng với phân bón thực phẩm được các đồng minh của Ukraine miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt đối với Nga, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tập đoàn hậu cần đã miễn cưỡng xử lý sản phẩm từ Nga. Căng thẳng địa chính trị cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung.

Một mối đe dọa khác là khí hậu. Năm ngoái, nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới xảy ra bất chấp hiện tượng thời tiết La Niña. Sau ba năm liên tiếp xảy ra hiện tượng La Niña, nhiều nhà khí tượng học đã cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng của hiện tượng ngược lại là hiện tượng El Niño sẽ xảy ra trong năm nay.

Sự chuyển dịch từ La Niña sang El Niño “có khả năng dẫn đến nhiệt độ toàn cầu vào năm 2023 ấm hơn so với năm 2022”, Văn phòng Khí tượng của Anh cảnh báo vào cuối năm ngoái.

Diễn biến giá phân bón quốc tế

Diễn biến giá phân bón quốc tế

Ở một số khu vực, hiện tượng El Niño trước đây đã gây ra hạn hán ở khu vực phía nam và đông nam châu Á và Úc và lũ lụt ở châu Mỹ Latinh, bao gồm cả ở Brazil và Argentina.

“Chúng ta đã trải qua ba đợt La Niña mạnh liên tiếp, đây là điều chưa từng có tiền lệ. Nhưng hiện tượng El Niño đang tiềm ẩn trong quý tới. Các quốc gia đang phát triển ở vùng nhiệt đới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, châu Á sẽ trở nên khô hạn hơn dưới điều kiện El Nino, trong khi Nam Mỹ có thể có lượng mưa quá mức”, Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty hàng hóa EDF Man cho biết.

Mặt khác, mức tồn kho ngũ cốc tương đối thấp đã làm tăng thêm mối lo ngại của các nhà phân tích về nguồn cung lương thực toàn cầu.

Đối với lúa mì, tỷ lệ dự trữ trên mức sử dụng (S/U) - thước đo được sử dụng bởi những người tham gia thị trường ngũ cốc và các nhà kinh tế nông nghiệp để đánh giá mức độ sẵn có của hàng hóa - cho thấy lượng dự trữ dự báo cho cuối vụ mùa vào tháng 6 được dự báo ở mức 58 ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2008, khi giá lương thực quốc tế tăng cao sau hạn hán và giá năng lượng toàn cầu tăng.

Tỷ lệ dự trữ trên mức sử dụng của lúa mì
Tỷ lệ dự trữ trên mức sử dụng của lúa mì

Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn an ninh lương thực IFPRI và là cựu kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết: “Do tình hình dự trữ toàn cầu ở mức thấp, giá sẽ vẫn không ổn định và có thể tăng mạnh nếu hạn hán hoặc sự kiện thời tiết quan trọng xuất hiện vào mùa xuân này”.

Ngoài ra, yếu tố tiền tệ biến động cũng rất quan trọng đối với nguồn cung cấp thực phẩm ở nhiều quốc gia đang phát triển. Bất chấp sự sụt giảm gần đây của giá lương thực trên thị trường quốc tế, sức mạnh của đồng đô la có thể khiến chi phí bằng đồng nội tệ tăng cao.

Điều đó có nghĩa là lạm phát thực phẩm đối với người tiêu dùng có thể sẽ kéo dài trong vài quý do giá giao dịch quốc tế độ trễ khoảng một năm mới có tác động tới chuỗi cung ứng bán lẻ.

“Lạm phát lương thực được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng thực phẩm vẫn ở mức hai con số ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tôi kỳ vọng CPI thực phẩm sẽ giảm khi lạm phát chung giảm bớt, nhưng mức giảm sẽ từ từ”, nhà nghiên cứu Joseph Glauber cho biết.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cải thiện.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đối với các mặt hàng nông sản đã giảm trong chín tháng liên tiếp. Giá các chất dinh dưỡng quan trọng và lúa mì thấp hơn 40% so với mức cao nhất của năm ngoái.

Chỉ số giá lương thực của FAO

Chỉ số giá lương thực của FAO

Vụ lúa mì kỷ lục ở Nga và vụ thu hoạch ngô và đậu tương bội thu ở Brazil đã làm giảm bớt tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu thực vật và ngũ cốc quốc tế, trong khi giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh gần đây đã làm tăng sản lượng phân bón nitơ cho cây trồng.

Giá giao dịch quốc tế rẻ hơn sẽ giúp loại bỏ một số áp lực đối với người trồng trọt.

“Chúng ta đang ở một điểm uốn. Chi phí đầu vào và áp lực biên lợi nhuận đối với nông dân dường như đang giảm đáng kể”, Michael Magdovitz, nhà phân tích ngũ cốc và hạt có dầu tại Rabobank cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục