Từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu
Tháng 12 năm ngoái, G7 đã công bố gói tài chính 15,5 tỷ USD hỗ trợ các nỗ lực giảm phát thải carbon của Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia, nhận được khoản tài trợ lớn theo thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Trong khi đó, Việt Nam cũng đang hợp tác với các nước ASEAN, trong đó Singapore là quốc gia đi đầu với thỏa thuận hợp tác cùng Việt Nam đầu tư và phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi. Quy hoạch điện VIII (PDP8) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được công bố vào tháng 5 giúp vạch ra lộ trình cho các mục tiêu về năng lượng tái tạo dài hạn.
Theo HSBC, từ những rủi ro liên quan đến El Niño gần đây, không khó để hiểu được tình hình cấp bách của Việt Nam trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vì Việt Nam đang tăng trưởng ở một tốc độ đáng chú ý trong hai thập kỷ qua. Mới gần đây vào tháng 6, các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nơi nhiều gã khổng lồ công nghệ như Samsung và Foxconn đặt cơ sở sản xuất, phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Tình trạng mất điện gây ra do thiếu hụt thủy điện, một nguồn cung cấp điện chính ở phía Bắc, vì nắng nóng và hạn hán do El Niño gây ra đã khiến các hồ chứa cạn kiệt.
“Mặc dù mực nước tại tất cả các hồ chứa đã vượt ngưỡng an toàn phát điện nhờ lượng mưa vừa phải trong thời gian gần đây, các rủi ro về năng lượng cần được quan tâm sát sao hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất đầy triển vọng của Việt Nam”, Báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, theo HSBC, không phải lúc nào Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước những biến động năng lượng toàn cầu. Có những năm mà nhiên liệu hóa thạch là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam, nhưng điều này đã thay đổi kể từ năm 2015. Do sản lượng dầu mỏ trong nước đang giảm và nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang một nước nhập khẩu, với nhu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng trong những năm qua. Mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam chủ yếu vẫn là than đá, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 20%.
Báo cáo cho biết: “Để bù đắp cho sự thiếu hụt ngày càng lớn về nhu cầu năng lượng, Việt Nam đã phải tăng cường nhập khẩu than từ Australia và Indonesia. Nhưng nhập khẩu dầu mỏ tương đối đa dạng hơn, với Hàn Quốc, Singapore và Malaysia cung cấp tổng cộng 80% lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam”.
Lộ trình PDP8
HSBC nhận định, Việt Nam có những kế hoạch đầy tham vọng để chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào than đá sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Như nội dung của Quy hoạch điện 8 (PDP8), Việt Nam sẽ loại bỏ dần các nhà máy điện than, nhằm giảm tỷ lệ phụ thuộc từ 30% xuống 20%. Do đó, tốc độ mở rộng các nhà máy nhiệt điện than có thể sẽ chậm lại và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn 2021-2022, một số nhà tài trợ lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đồng ý chấm dứt tài trợ mới cho các nhà máy điện than quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã nhận được tài trợ từ nước ngoài để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo và giúp nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối.
Trong khi đó, công suất điện gió của Việt Nam đã phát triển vượt trội so với các nước trong khu vực, tăng hơn 18 lần trong 5 năm qua. Các vùng duyên hải miền Trung và miền Nam ở Việt Nam có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, do sức gió ở những khu vực này có thể vượt quá 10 mét/giây (m/s), trong khi vận tốc 8m/s thường được coi là khả thi để phát triển điện gió ngoài khơi. Tốc độ gió ổn định, độ sâu ven biển tương đối nông và nhu cầu năng lượng tạo nên những yếu tố hấp dẫn với các công ty nước ngoài đang tìm cách mở rộng diện tích trang trại điện gió tại Việt Nam. Ví dụ, AES Corp có trụ sở tại Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng một trang trại điện gió trị giá 13 tỷ USD với tổng công suất 4.000 MW tại Bình Thuận.
LNG cũng đóng vai trò năng lượng tái tạo chuyển đổi quan trọng. Là một loại nhiên liệu thay thế, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang trong quá trình chuyển đổi để thay thế than đá. LNG có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và thay thế khoảng trống do giảm năng lượng từ than. Tuy vậy, các mỏ khí đốt hiện tại đang cạn kiệt và sản xuất trong nước hàng năm đang giảm. Ngoài ra, chi phí khai thác và tạo nguồn cung mới trong nước khiến việc thu hút đầu tư trở nên khó khăn hơn.
"Do đó, với LNG dự kiến sẽ tạo ra 22,4 GW điện vào năm 2030, có thể Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu LNG đáng kể. Trong những năm gần đây, các công ty cung cấp điện lớn như AES Corporation có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tokyo Gas và Marubeni có trụ sở tại Nhật Bản, cũng như Hanwha Energy, Korea Gas và Korea Southern Power của Hàn Quốc đang hợp tác triển khai nhiều dự án chuyển đổi LNG thành năng lượng với các đơn vị trong nước. Bước tiếp theo sẽ là đạt được các thỏa thuận mua LNG dài hạn để đảm bảo rằng các dự án sắp tới được tận dụng", Báo cáo của HSBC nhận định.
Những thách thức chính: Cơ sở hạ tầng và kinh phí
Về cơ sở hạ tầng, HSBC cho rằng, nhu cầu về năng lượng chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam, nơi tập trung hầu hết các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các công trình sản xuất năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo, đang được xây dựng ở khu vực miền Trung và miền Nam. Điều này có nghĩa là khả năng truyền tải sẽ phải được nâng cấp tại miền bắc, nơi dự kiến sẽ có nhu cầu điện ngày càng tăng. Nhưng, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại của Việt Nam không hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời và điện gió.
Ví dụ, theo Ngân hàng Thế giới, hệ thống truyền tải hiện tại chỉ có thể tích hợp tối đa 3,3GW năng lượng tái tạo biến đổi ở miền Nam, trong khi tổng công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt hiện tại là khoảng 20GW. Việc phát triển các hệ thống truyền tải sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu mới - với ít nhất 47% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ mức 36% hiện nay – như được đưa ra trong Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP Việt Nam (JETP-RMP).
"Điều này đặt ra câu hỏi về kinh phí. Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng quá trình đô thị hóa đang gia tăng. Theo ước tính của Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub), Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới; trong số các ngành, năng lượng chiếm gần 45%", Báo cáo của HSBC nhận định.
Trong lịch sử, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam chậm hơn nhiều so với các nước ASEAN. Các nhà chức trách đang tìm cách giải quyết các trở ngại trên mọi mặt – luật dầu khí sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2022 là một ví dụ – để tăng cường khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Trong những năm gần đây, đầu tư vào năng lượng với sự tham gia của khu vực tư nhân ngày càng tăng ở Việt Nam.
Nỗ lực chung của ASEAN
Theo HSBC, hợp tác khu vực là một yếu tố quan trọng trong sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo, giúp tạo ra một hệ thống cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy hơn. May mắn thay, một số sáng kiến và hợp tác giữa các quốc gia ASEAN đã được tiến hành. Ví dụ, năng lượng mặt trời được tạo ra ở Việt Nam có thể bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng từ thủy điện ở Lào trong mùa khô. Trong khi đó, Singapore đang xem xét nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
"Hai nước sẽ cùng nhau phát triển một nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2,3 GW, được kết nối thông qua một đường cáp điện cao thế dưới biển. Tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN để cải thiện kết nối, thực hiện các mục tiêu về hỗn hợp năng lượng của từng nước và đảm bảo sự ổn định của nguồn cung điện là rất lớn", Báo cáo cho biết.
Nhìn chung, nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam đã và đang mở đường để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0. Kế hoạch PDP8 được mong đợi từ lâu phản ánh tham vọng này, giúp vạch ra lộ trình tăng trưởng năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021-2030. Chắc chắn sẽ có những thách thức, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng và kinh phí.
"Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang giải quyết một số rào cản này thông qua hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác G-7. Tóm lại, quá trình chuyển đổi xanh sẽ mở đường cho tăng trưởng dài hạn của Việt Nam", HSBC nhấn mạnh.