Theo Báo cáo, từ kết quả cuộc khảo sát hơn 11.000 người tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, HSBC nhận thấy có bốn mối lo ngại chính liên quan đến sức khỏe, bao gồm: sức khỏe suy yếu khi về già (65%), chi phí y tế (57%), điều kiện của gia đình (55%) và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế (51%).
Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy tình trạng sức khỏe kém kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người về nhiều mặt, nhất là chất lượng cuộc sống (79%), trạng thái tinh thần (70%), khả năng kiếm sống (66%), gia đình (65%) và mối quan hệ vợ/chồng (64%).
“Trong số những người xem sức khỏe là mối bận tâm hàng đầu, 41% cho biết họ chưa chuẩn bị tài chính cho những vấn đề sức khỏe đột xuất; trong số đó, 34% chưa có bất kỳ chuẩn bị gì và 7% tuy có thể xoay sở được nhưng cũng thừa nhận họ chưa có kế hoạch cụ thể. Đối với những người lo ngại nhất về sự ổn định tài chính trong dài hạn, 49% cho biết họ không thể giải quyết tốt vấn đề tiền bạc nếu có sự cố bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến an toàn tài chính của họ; trong số đó, 38% chưa có bất cứ chuẩn bị gì và 11% có thể thu xếp được nhưng cũng chưa có hoạch định chi tiết”, Báo cáo nhận định.
Cũng theo cuộc khảo sát, đối với sức khỏe, mối quan tâm chính của nhiều người, 57% nghĩ rằng chi phí chăm sóc sức khỏe của họ thuộc trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân khác như Nhà nước (26%), đơn vị tuyển dụng (16%) và gia đình (15%).
71% người Trung Quốc tham gia khảo sát nghĩ rằng họ không phải là người chịu trách nhiệm về chi phí y tế của mình, trong số đó 35% cho rằng trách nhiệm này thuộc về Nhà nước.
Anh (39%) và Pháp (37%) là hai quốc gia có số lượng người dân kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về chăm sóc y tế cao nhất.
Mối bận tâm hàng đầu của chúng ta chính là không thể tự chăm sóc cho chính mình hay cho gia đình một khi bản thân không còn khỏe mạnh.
Hơn một nửa số người tham gia khảo sát (53%) cho biết họ đang cân nhắc việc mua bảo hiểm nhưng vẫn chưa thực hiện chủ yếu vì lý do giá cả; họ cho rằng sản phẩm bảo hiểm quá đắt tiền. Những nguyên nhân khác khiến họ không mua bảo hiểm là vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm hoặc lo ngại về những điều khoản loại trừ hay giá trị bảo hiểm được chi trả (38%), họ chưa cần đến bảo hiểm hoặc đây chưa phải là ưu tiên hàng đầu của họ (31%), họ để trách nhiệm đó cho người khác lo liệu hoặc do họ quá bận rộn (20%).
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm nhân thọ trong năm 2015 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Tổng doanh thu từ phí bảo hiểm năm vừa rồi tăng 29,5% so với năm 2014 và doanh thu từ hợp đồng mới tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bốn mối lo ngại chính liên quan đến sức khỏe, bao gồm: sức khỏe suy yếu khi về già, chi phí y tế, điều kiện của gia đình và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.
Ông Kris Werner, Giám đốc Khối Tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của HSBC Việt Nam cho rằng: "Nhận thức về nhu cầu bảo hiểm của người Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy họ vẫn còn khá lưỡng lự khi quyết định tham gia bảo hiểm vì một suy nghĩ phổ biến: họ không đủ khả năng chi trả phí bảo hiểm. Mặt khác, họ có xu hướng quan tâm đến lãi suất tiết kiệm nhiều hơn là những phương thức phòng ngừa rủi ro và bảo vệ bản thân, trong khi đây lại là yếu tố chính của hợp đồng bảo hiểm".
Điều này có thể lý giải vì sao ước tính hiện chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ.
“Mối bận tâm hàng đầu của chúng ta chính là không thể tự chăm sóc cho chính mình hay cho gia đình một khi bản thân không còn khỏe mạnh. Do đó, lên kế hoạch rõ ràng nhằm chắc chắn một khoản dự phòng cần thiết cho những trường hợp không may đột ngột xảy ra là hết sức quan trọng. Không bao giờ quá muộn để lập kế hoạch đảm bảo cho tương lai của chính mình”, ông Kris Werner nói.
Theo đó, Nghiên cứu của HSBC đề xuất bốn bước hành động giúp mọi người chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Cụ thể:
Thứ nhất, xác định những mối bận tâm chính yếu: Đánh giá lại kế hoạch tài chính cho tương lai của bạn. Từ đó đưa ra xem xét liệu kế hoạch này có đảm bảo cho những kỳ vọng của bạn và gia đình về phong cách sống, nhà cửa, sức khỏe và tương lai nếu có điều bất trắc xảy đến.
Thứ hai, nhận biết những kỳ vọng tương lai của bản thân. Hãy nghĩ về những gì bạn mong mỏi cho tương lai của chính mình. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia nhằm xác định đầy đủ những bước chuẩn bị cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ ba, lên kế hoạch hành động. Một khi bạn hiểu rõ những những gì mình đang có và những gì mình cần, hãy tìm hiểu những giải pháp sẵn có trên thị trường và hành động để đạt được kỳ vọng.
Thứ tư, thường xuyên xem xét lại kế hoạch này. Các chính sách hỗ trợ của Nhà tuyển dụng và Nhà nước không thể nào đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn, chưa kể hoàn cảnh của bạn cũng thay đổi theo thời gian. Hãy thường xuyên đánh giá lại kế hoạch tài chính của mình để có thể sớm đưa ra điều chỉnh cần thiết.