Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam - tháng 4/2016.
Tại báo cáo mới này, HSBC đã giảm mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 xuống còn 6,3% và năm 2017 còn 6,6%. Lý do theo HSBC là vì tăng trưởng trong quý I/2016 đạt 5,6%, thấp hơn nhiều kỳ vọng và các biện pháp thắt chặt tiền tệ vừa được đề xuất sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.
Cũng theo HSBC, những yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng trong quý vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa. Ngoài nông nghiệp suy giảm, thì đà tăng trưởng của xây dựng, bất động sản và dịch vụ tài chính cũng giảm tốc.
Tăng trưởng trong quý I/2016 đạt 5,6%, thấp hơn nhiều kỳ vọng và các biện pháp thắt chặt tiền tệ vừa được đề xuất sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.
HSBC cho rằng, tăng trưởng chậm lại sẽ giúp kiềm chế thâm hụt tài khoản vãng lai… Điểm tích cực ở đây là chính sự tăng trưởng chậm trong thời điểm hiện tại lại chứng tỏ sự bền vững hơn và tạo điều kiện cho Việt Nam tái xây dựng bệ đỡ cho kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, dù phục hồi, nhưng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn thấp và trong bối cảnh khi nguy cơ biến động đồng nhân dân tệ có thể một lần nữa xảy ra, đồng Việt Nam sẽ chịu áp lực.
Theo dự báo của HSBC, đồng Việt Nam sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2016. Dù ở mức độ kiểm soát được, cặp tỷ giá USD/VND sẽ đạt mức 23.000 đồng/USD vào cuối năm 2016.
Về nợ xấu, HSBC cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống đã được cải thiện, từ xấp xỉ 5% trong tháng 9/2012 xuống 2,5% trong tháng 12/2015. Nhưng điều này chủ yếu đạt được nhờ chuyển các khoản cho vay từ các ngân hàng sang VAMC.
Từ khi ra đời vào năm 2013 cho đến cuối năm 2015, VAMC đã thu mua 11 tỷ USD nợ xấu. Nhưng vào cuối năm ngoái, VAMC chỉ thu hồi được 9% nợ xấu mà đơn vị này đang nắm giữ. Nói cách khác, quá trình xử lý nợ xấu tốn nhiều thời gian, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng và ảnh hưởng đến cam đoan cho vay mới.