HOSE khẳng định không có chuyện lỗi đợt khớp lệnh ATC phiên 6/7, VNDIRECT xin lỗi vì sự cố dữ liệu giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) phiên 6/7.
HOSE khẳng định không có chuyện lỗi đợt khớp lệnh ATC phiên 6/7, VNDIRECT xin lỗi vì sự cố dữ liệu giá

Bất ngờ chỉ 15 phút phiên ATC, lệnh bán rũ bỏ ồ ạt được tung vào khiến VN-Index mất hơn 56 điểm khi đóng cửa, tương ứng giảm 3,99% về chỉ còn 1.354,79 điểm và chính thức phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm, cổ phiếu sàn la liệt.

Điểm đáng lưu ý, thị trường chỉ bị xả mạnh giai đoạn từ 14h15 phút và phiên ATC khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không kịp trở tay. Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường khiến hàng loạt các cổ phiếu giảm sàn, hoặc giảm gần hết biên độ.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, sàn HOSE có tới 350 mã giảm giá, trong đó 86 mã sàn; 59 mã tăng và 19 mã tham chiếu. Xu hướng bán tháo diễn ra trên diện rộng và tập trung nhiều vào những cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước đó như nhóm chứng khoán, thép, ngân hàng, dầu khí, phân bón, bất động sản…

Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong khi ở các diễn đàn thì tốc độ lan truyền chóng mặt các thông tin chưa kiểm chứng, khiến các nhà đầu tư càng hoảng loạn hơn.

Trên các diễn đàn, nội dung tin đồn "do lỗi kết nối từ các công ty chứng khoán tới HOSE không nhận lệnh, nên các lệnh bị treo tại công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đến gần ATC thì tất cả các lệnh lại được vào hệ thống cùng một lúc nên vô hình trung tạo ra một tình huống wash out. Với rủi ro hệ thống systematic risk như vậy, tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng, nên lúc này cần chờ đợi thông tin từ HOSE cũng như các công ty chứng khoán giải thích, cũng như chờ thêm các thông tin hỗ trợ để có hướng xử lý vào ngày mai....", được lan truyền chóng mặt.

Tuy nhiên, người tinh ý sẽ thấy ngay đây là công văn giả và bị cắt ghép.

Công văn giả mạo HOSE.

Công văn giả mạo HOSE.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các thông tin về việc hệ thống bị lỗi trong phiên ATC là không chính xác.

Chiều cùng này (6/7/2021), HOSE cũng đã có văn bản lên tiếng chính thức về vấn đề này. Theo HOSE, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền một công văn về việc hệ thống của Sở GDCK TP.HCM xảy ra lỗi vào phiên giao dịch ATC.

Sở GDCK TP.HCM khẳng định, không có văn bản nêu trên và đây là thông tin giả mạo. Hệ thống giao dịch của Sở GDCK TP.HCM hoạt động hoàn toàn bình thường trong phiên giao dịch ngày 6/7/2021.

Sở GDCK TP.HCM khuyến cáo các nhà đầu tư chứng khoán bình tĩnh, phân biệt thông tin giả mạo để tránh bị thiệt hại.

Một số công ty chứng khoán cho biết, hệ thống vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên môi giới các công ty khác lại trao đổi với khách là có lỗi ATC. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đúng là tại một số công ty chứng khoán, có xảy ra lỗi hệ thống giao dịch nội bộ của chính công ty chứng khoán, nên giao dịch khớp lệnh không được mượt mà, nhưng không đến nỗi là lag, hay quá chậm chạp.

Mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) đã có thư ngỏ gửi tới nhà đầu tư về sự cố dữ liệu giá trong phiên ATC ngày 6/7/2021.

Cụ thể, VND cho biết, trong phiên giao dịch ngày 6/7/2021, do những thay đổi liên quan tới việc nâng cấp triển khai hệ thống mới của HOSE, hệ thống giá của VNDIRECT đã xảy ra hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu, dẫn tới giá dự khớp của một số cổ phiếu trong phiên ATC không chính xác.

Sau khi phát hiện lỗi, đội ngũ công nghệ của VNDIRECT đã nhanh chóng nhận diện nguyên nhân và lên phương án khắc phục ngay lập tức. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống giá của VNDIRECT đã hoạt động hoàn toàn bình thường và sẵn sàng cho phiên giao dịch ngày mai (7/7). Công ty này gửi tới xin lỗi tới khách hàng và mong nhận được sự cảm thông của khách hàng.

Thư ngỏ VND gửi tới khách hàng

Thư ngỏ VND gửi tới khách hàng

Một điểm đáng lưu ý, quan sát bảng điện cho thấy, thị trường đã ào lệnh bán mạnh từ sau 14h15 tức là trước phiên ATC. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không có hành động bán tháo, thì hành động đạp xuống này được nhiều người nhìn nhận có chủ đích. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt câu hỏi liệu có phải nhà tạo lập và các quỹ xả hàng, phục vụ mục tiêu đập lệnh phái sinh?

Thị trường có lên thì có xuống. Tuy nhiên, để nhà đầu tư không e ngại về lỗi hệ thống và minh bạch các thông tin, có lẽ HOSE và FPT cần làm rõ và có công bố thông tin rộng rãi ra thị trường về sự vận hành của hệ thống giao dịch mới.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục