Những phiên giao dịch tỷ USD trở lại, chọn cơ hội khó hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đón thông tin hệ thống giao dịch mới giữa HOSE và FPT đưa vào hoạt động từ ngày 5/7 với tâm lý không quá hào hứng, sự thận trọng vẫn thể hiện khá rõ dù VN-Index duy trì trên 1.400 điểm.
Những phiên giao dịch tỷ USD trở lại, chọn cơ hội khó hơn

Chờ đợi chuyển động vĩ mô

Nổi bật trong tuần qua là các thông tin kinh tế vĩ mô 6 tháng được công bố. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lại thấp hơn mức kỳ vọng do ảnh hưởng đáng kể của dịch bệnh, nên nhà đầu tư thận trọng hơn.

Nếu như trước đây, dòng tiền bung ra đáng kể mỗi đợt dịch bùng phát, thì nay có thể thấy sự chậm rãi hơn. Những kịch bản dự phòng cho nửa cuối năm khó khăn có thể tạo ra tâm lý phòng thủ ở nhiều nhà đầu tư lớn trong nước.

Nhìn nhận về thực tế này, chuyên gia Huỳnh Tuấn đến từ FIDT cho rằng, tâm lý lo ngại về sự phức tạp của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4 là hiện hữu, bởi có ảnh hưởng mạnh đến trung tâm kinh tế Đông Nam Bộ của cả nước. Nếu chiến dịch tiêm vắc - xin tại khu vực này chậm, tăng trưởng GDP quý III có thể thấp.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu, nhiều nhóm ngành đã có tốc độ tăng thị giá rất mạnh thời gian qua, chẳng hạn nhóm ngân hàng có những cổ phiếu tăng đến 100%, kỳ vọng về nhóm ngành này đã phản ánh vào thị giá, nên dòng tiền bị rút ra một phần.

Dù vậy, nếu nhìn vào 2 kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Chính phủ tuần qua, vẫn thấy kinh tế Việt Nam nửa cuối năm còn những dư địa khai thác và tiếp tục duy trì điểm sáng trong khu vực.

Theo đó, kịch bản 1 cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quý IV tăng 6,5%. Còn ở kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng 7% và quý IV tăng 7,5%.

Gạn lọc cơ hội

Niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế và sự vận hành thông suốt của hệ thống giao dịch thể hiện khá rõ ở sự tăng mạnh trở lại của dòng tiền vào các phiên cuối tuần qua. Ví dụ, phiên giao dịch 2/7, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó sàn HOSE đạt trên 26.040 tỷ đồng.

Giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt mốc cao nhất trong gần 1 tháng qua, có thể là tín hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang được bơm trở lại.

Khối ngoại mua ròng hơn 1.900 tỷ đồng toàn thị trường. Giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt mốc cao nhất trong gần 1 tháng qua, có thể là tín hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang được bơm trở lại thị trường hay đã đến giai đoạn phân phối của chứng khoán, tuần giao dịch này sẽ cho những thông tin xác tín.

Một điểm nổi bật dễ thấy là đà tăng của thị trường có sự “trợ lực” rất lớn từ nhóm cổ phiếu trong rổ VN30. Đây cũng là nhóm ghi nhận mức tăng vượt trội so với phần còn lại của thị trường.

Nếu tính tại vùng 1.200 điểm từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, chỉ số VN-index ghi nhận tăng 17,8% thì VN30 tăng khoảng 25%, nghĩa là tốc độ tăng cao hơn nhiều so với chỉ số chung thị trường.

VN30 tiếp tục kéo chỉ số thời gian tới hay không? Xu hướng đầu tư thụ động theo ETFs ở Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của toàn thế giới.

Dự báo đến năm 2022, tổng vốn của các quỹ ETFs ở Mỹ thậm chí còn vượt qua cả các quỹ đầu tư truyền thống. Do đó, giới chuyên gia nhìn nhận cổ phiếu trong VN30 hay các chỉ số khác như VNDiamond, VNFinlead sẽ hưởng lợi và xu hướng này chắc chắn sẽ được tiếp tục.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá, chất lượng các cổ phiếu trong VN30 được cải thiện hơn rất nhiều, mang tính đại diện cho nền kinh tế và dần bớt đi những gương mặt không xứng đáng. Điều này đã được thể hiện rõ trong thời gian vừa qua khi những cổ phiếu mang tiếng tạo lập về giá và khối lượng dần bị loại.

Khi điểm số thị trường đã thiết lập ở mức cao, thị giá nhiều cổ phiếu chất lượng cũng ở mức cao, sẽ khó để có những phiên giao dịch tưng bừng và tăng đồng loạt. Điều này phản ánh rất rõ trong tuần qua khi nhiều doanh nghiệp ra tin kết quả kinh doanh khá tốt nhưng không đạt kỳ vọng lập tức cổ phiếu bị xả hàng.

Cổ phiếu CTG của Vietinbank là một ví dụ, kết quả kinh doanh quý II của Vietinbank tăng nhưng không đạt mức 2 con số như thị trường kỳ vọng, giá cổ phiếu từ mức xấp xỉ gần 55.000 đồng/cổ phần đã điều chỉnh xuống dưới 53.000 đồng/cổ phần.

Lọc hóa dầu Bình Sơn ra tin kết quả lợi nhuận sau thuế quý II đạt 1.300 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng nên từ mức giá xấp xỉ 22.000 đồng/cổ phần đã giảm xuống dưới 21.000 đồng/cổ phần.

Dabaco ra tin kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, giá cổ phiếu lập tức giảm hơn 5% trong phiên cuối tuần.

Một sự trưởng thành khá rõ nét ở các nhà đầu tư là ngoài những cổ phiếu "có game" hoặc theo đuổi các thương vụ phía sau, chỉ những cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội mới tăng giá, những doanh nghiệp dự báo còn khó khăn hoặc chưa thực sự bứt phá, cầu vào thấp và giá cổ phiếu vẫn trên đà sụt giảm.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nhìn nhận, dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất thấp kéo dài trong một vài năm nữa còn hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Với mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm này, chưa có cơ sở để cho rằng xuất hiện bong bóng tài sản trong đó có chứng khoán. Tăng trưởng thị giá cổ phiếu ở những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh tốt, dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thì không đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) nhận định, 1.400 là mốc điểm ở ngưỡng cận trên trong kỳ vọng về Index năm nay; thậm chí nhiều tổ chức lớn đã xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên kỳ vọng VN-Index lên cao nhất đạt 1.400 điểm. Vì vậy, trong ngắn hạn, có thể đà tăng sẽ tiếp diễn, tuy nhiên sau đó áp lực bán có thể diễn ra, đặc biệt từ khối nhà đầu tư tổ chức.

Hoàng Anh – Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.74 -4.44 -0.35% 134,612 tỷ
HNX 243.08 -0.84 -0.34% 1,183 tỷ
UPCOM 91.46 -0.02 -0.02% 444 tỷ