Dự kiến, ông Takahiro Hachigo sẽ lên nắm quyền điều hành vào cuối tháng 6/2015, ngay sau khi được thông qua, Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn dự kiến cũng sẽ diễn ra cuối tháng 6 tới.
Việc bổ nhiệm CEO mới khá bất ngờ, khiến nhiều người cho rằng, Honda muốn CEO mới sẽ quyết liệt hơn trong việc giải quyết dứt điểm vụ bê bối về sự cố túi khí (airbag) đã diễn ra trong vòng 2 năm trở lại đây, song chưa được xử lý đến nơi đến chốn, khiến uy tín về chất lượng và mức độ an toàn của xe thương hiệu Honda bị sứt mẻ. Kèm theo đó, kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Là thiết bị an toàn được trang bị trên các ô tô con, túi khí là một túi tự động được bơm đầy khí khi có tai nạn xảy ra, nhằm giảm thiểu mức độ chấn thương của người ngồi trong xe.
Tính đến thời điểm hiện tại, Honda đã phải thu hồi lại hàng triệu xe hơi có sử dụng túi khí của hãng Takata (Nhật Bản). Cho đến nay, ít nhất 5 người chết và hàng chục người bị thương có liên quan đến các vụ tai nạn ô tô có liên quan tới túi khí trên toàn thế giới, trong đó phần lớn đều dính đến xe Honda. Theo các chuyên gia, khi xe gặp tai nạn, túi khí của Takata bị lỗi, có thể nổ tung, văng ra những mảnh kim loại và nhựa làm cho người trong xe bị thương hoặc tử vong.
Trong số các tập đoàn ô tô có sử dụng túi khí của Takata, Honda bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tháng 1/2015, Honda đã bị Chính phủ Mỹ áp dụng mức phạt lên đến 70 triệu USD, một mức phạt kỷ lục đối với vi phạm loại này sau khi đã không giải quyết ổn thỏa đối với hơn 1.700 khiếu nại có liên quan tới túi khí. Được biết, từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 17 triệu xe ô tô khiếu nại yêu cầu được sửa túi khí, nhưng chỉ có 2 triệu xe được sửa. Trong số đó, xe Honda chiếm đến gần một nửa.
Honda hiện sở hữu 1,2% cổ phần của Takata và cũng là khách hàng lớn nhất của Takata, sử dụng túi khí của Takata hàng chục năm nay. Ước tính, thiệt hại mà riêng Honda bị gánh chịu liên quan tới túi khí lên tới 400 triệu USD. Mỹ lại là thị trường trọng điểm của Honda. Những khách hàng Mỹ ưa dùng xe Honda, nay phần lớn chuyển sang Nissan hoặc Toyota.
Dự kiến, trong năm tài chính hiện hành (sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2015), lợi nhuận của Honda ước chỉ đạt 545 tỷ yên (4,6 tỷ USD), giảm 5% so với năm tài chính trước.
Do Takata chưa hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng Mỹ trong việc nghiên cứu, điều tra các nguyên nhân nổ túi khí, nên từ tuần trước, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu áp đặt mức phạt 14.000 USD/ngày đối với Takata. Đương nhiên, Honda và các hãng xe lắp túi khí của Takata cũng bị liên đới.
Đầu tuần này, 10 tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới gồm Honda, Toyota, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Fuji Heavy Industries (đều của Nhật Bản), BMW (Đức), FCA US, Ford và General Motors (đều của Mỹ) đã quyết định sẽ chọn Công ty Orbital ATK Inc.(Nhật Bản) làm nhà cung cấp túi khí thay thế Takata trong các dòng xe mới sắp xuất xưởng trong tương lai.
Trở lại việc bổ nhiệm CEO mới của Honda. Ông Takahiro Hachigo gia nhập Honda năm 1982 như một kỹ sư cơ khí tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ô tô, tập trung vào mảng khung xe.
Ông được trực tiếp giao nhiệm vụ R&D xe loại minivan Odyssey chủ yếu dành cho thị trường Mỹ (năm 1999). Sau đó, năm 2001, ông trực tiếp tham gia phát triển loại xe Honda CR-V thế hệ thứ hai. Loại xe này đã gặt hái thành công tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.Trong hơn 30 năm làm việc cho Toyota, ông chủ yếu chinh chiến ở các thị trường nước ngoài, như Mỹ, châu Âu và gần đây nhất là Trung Quốc. Từ tháng 4/2014, ông mới trở về Nhật Bản và giữ chức nhà quản lý cao cấp.
Đây sẽ là CEO đầu tiên của Honda chưa từng lãnh đạo mảng R&D ngay tại Nhật Bản. Theo thông lệ, các ứng cử viên đều phải kinh qua chức vụ trên mới có thể trở thành CEO.
Điều khá bất ngờ nữa là, không chỉ Honda, mà cả Toyota cũng vừa có động thái thay máu bộ máy lãnh đạo. Giữa tuần này, Toyota đã bổ nhiệm cùng lúc 2 nhà quản lý cao cấp, đều mang quốc tịch nước ngoài. Cụ thể, ông Didier Leroy, 57 tuổi, quốc tịch Pháp, CEO Toyota khu vực châu Âu sẽ là 1 trong 6 phó chủ tịch điều hành của Toyota kể từ ngày 1/4/2015. Bà Julie Hamp, quốc tịch Mỹ, phụ trách mảng truyền thông của Toyota khu vực Bắc Mỹ sẽ là nhà quản lý cao cấp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 77 năm tồn tại của mình, Toyota có một phụ nữ giữ vị trí quản lý cao như vậy.