Cơ sở của tuyên bố này chính là chất lượng hoạt động và tiềm năng tăng trưởng của hai ngân hàng. Có một chi tiết nhỏ nhưng đáng chú ý mà Thống đốc đã đề cập đó là lãnh đạo trẻ và tài năng. Họ không chỉ gánh trên vai trách nhiệm với vài chục nghìn nhân viên, mà là cả niềm tự hào của ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong câu chuyện đầu Xuân, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng ít đề cập kế hoạch dài hơi, mà chủ yếu là những giải pháp để củng cố hoạt động ngân hàng vững chắc hơn. Bởi với ông, ngân hàng muốn vươn xa cũng như con thuyền muốn ra khơi phải có đủ khả năng chống chọi với sóng gió.
Làm hết trách nhiệm trong vụ án Huyền Như
Năm qua, cái tên VietinBank được gắn nhiều tới đại án Huyền Như. Xét một cách khách quan thì ông là “người mới”, nhưng chắc hẳn sức ép với người đứng đầu Ngân hàng trong vụ án này không êm dịu?
Về vụ án Huyền Như, khởi nguồn là do VietinBank phát hiện ra vào tháng 9/2011 và sau đó, Ngân hàng đã chủ động báo với cơ quan công an để tiến hành điều tra. Sau đó, như bạn đã biết, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tòa cũng đã xử 2 phiên sơ thẩm, phúc thẩm và chúng ta lại tiếp tục chờ bởi phúc thẩm hủy một phần của sơ thẩm để điều tra lại.
Đây là vụ án lớn, liên quan đến lợi ích của VietinBank, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, dù có là người cũ hay người mới thì khi là người đứng đầu của một đơn vị, tôi sẽ có trách nhiệm cao nhất để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị mình công tác. Tôi cũng sẽ làm hết trách nhiệm để thông qua việc bảo vệ lợi ích chính đáng của VietinBank để bảo vệ tiền và tài sản của Nhà nước.
Do Ban lãnh đạo Ngân hàng hết sức chủ động trong việc đưa ra các giải pháp, giải quyết vấn đề này, nên không có sức ép gì quá lớn. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự anh minh của các cơ quan pháp luật trong vụ án này.
Cái nhìn của ông thế nào với vụ án và ông đã có quyết định cụ thể gì liên quan tới câu chuyện này?
Tôi nhìn thẳng vào sự thật khách quan của vụ án và trực tiếp chỉ đạo các bộ phận chuyên môn có liên quan cung cấp đầy đủ các tài liệu để các cơ quan điều tra làm rõ bản chất của vụ án. Đồng thời, xem xét kỹ, toàn diện trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận có liên quan tại chi nhánh, phòng giao dịch theo kiến nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng và đã có hình thức xử lý đúng quy định pháp luật.
Đây chắc chắn sẽ là bài học lớn đối với VietinBank?
Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, do đó, vấn đề rủi ro đạo đức, rủi ro tuân thủ là rất khó tránh khỏi. Vấn đề này đang là một nguy cơ rất lớn mà các ngân hàng trong và ngoài nước phải đối mặt và đều đang nỗ lực để thực hiện phòng chống các rủi ro này.
Ngay sau khi phát hiện vụ án Huyền Như, chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo rà soát, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy định nghiệp vụ, sử dụng các công cụ hiện đại, thực hiện các biện pháp, phương pháp để nhận diện rủi ro sớm. Mục tiêu cao nhất đặt ra là để cảnh báo, ngăn ngừa các hành vi gian lận trong và ngoài hệ thống, phòng chống rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý nói chung, đặc biệt là rủi ro đạo đức, rủi ro tuân thủ…
Tuổi tác không phải là trở ngại trong điều hành
Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT một ngân hàng trong nhóm lớn nhất Việt Nam ở độ tuổi khá trẻ so với lãnh đạo trong ngành, ông có thấy "ngợp" không?
Ở nước ngoài, nhiều người đảm nhiệm vị trí chủ tịch hay tổng giám đốc các tập đoàn lớn khi tuổi đời mới chỉ ngoài 30. Tôi giữ cương vị Tổng giám đốc VietinBank khi đã 38 tuổi và được bầu vào vị trí Chủ tịch năm 41 tuổi cũng là điều bình thường, không có gì là sức ép cả và đây là độ tuổi đủ chín.
VietinBank báo lãi rất lớn trong năm 2014, với mọi chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Có thể nói, kết quả kinh doanh 2014 của VietinBank rất ấn tượng, như lợi nhuận 7.300 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản lên trên 660.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 18,4%, nợ xấu 1,33%, giữ vững là ngân hàng có quy mô, chất lượng, hiệu quả tốt nhất trong hệ thống.
Còn nhớ, thời điểm ĐHCĐ thông qua HĐQT mới (ngày 29/4/2014), các chỉ số kinh doanh đều là tăng trưởng âm so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT, Ban lãnh đạo, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể đội ngũ CBNV nên từ tháng 5, các hoạt động kinh doanh của VietinBank đã dần khởi sắc, tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Điều đó cho thấy, mặc dù nội lực của VietinBank có sẵn, nhưng HĐQT bằng các giải pháp linh hoạt đã khơi dậy nội lực và biến thành kết quả cụ thể.
Để đạt được những thành công như ngày hôm nay là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, từ sau khi cổ phần hóa (năm 2009) đến nay, ngân hàng đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện ngân hàng đang nắm giữ nhiều thế mạnh lớn.
Thứ nhất, VietinBank hiện là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ, vốn tự có lớn nhất Việt Nam. Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất của VietinBank được phân bổ khắp 63 tỉnh thành, ở các vị trí hết sức đắc địa, trung tâm, thậm chí là từ các phòng giao dịch, nhưng quan trọng hơn cả là lên tới 80% đều thuộc sở hữu của Ngân hàng như vậy chi phí hoạt động của ngân hàng giảm và có tính ổn định cao. Thứ ba, là hệ thống công nghệ thông tin mạnh cũng như có đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hùng hậu. Thứ tư, đội ngũ cán bộ từ HĐQT đến các phòng ban, chi nhánh được trẻ hóa.
Thứ năm, VietinBank có hệ thống trường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với quy mô rất lớn. Thứ sáu, VietinBank đã thực hiện công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ với phương thức hiện đại, là tuyển dụng công khai và thi tuyển qua máy, chấm điểm tự động…
Một điểm sáng trong chuyển đổi mô hình là VietinBank tập trung mạnh mẽ vào quản trị điều hành, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và bền vững, trong đó chú trọng vào triển khai Basel 2 theo chủ trương của NHNN.
Chủ động tìm kiếm đối tác để sáp nhập
NHNN đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, trong năm 2015 này, việc tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ chuyển từ khuyến khích tự tái cấu trúc sang bắt buộc. Giả sử NHNN yêu cầu VietinBank phải nhận sáp nhập 2 ngân hàng yếu kém, ông nghĩ sao?
Tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đã được Chính phủ, NHNN đặt ra trong mấy năm qua và trên thực tế, câu chuyện này cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Trong chỉ đạo của NHNN, Chính phủ, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành ngân hàng trong năm 2015 cũng được triển khai một cách quyết liệt.
Là một ngân hàng TMCP mà cổ đông Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, trong trường hợp Chính phủ, NHNN tín nhiệm, giao nhiệm vụ chính trị, VietinBank với tư cách là ngân hàng TMCP lớn hoàn toàn ủng hộ. Điều này không phải là chỉ tốt cho ngân hàng tái cấu trúc, nhìn một cách thẳng thắn cũng mang lại cho VietinBank nhiều lợi thế, mà không có lý gì cái gì có lợi mà lại không làm. Nhưng bên cạnh đó, VietinBank cũng sẽ chủ động tìm kiếm đối tác để có thể sáp nhập được với nhau.
Có câu chuyện rằng, kể từ khi nhậm chức Chủ tịch, ông đã quyết định thay đổi nhiều cán bộ chủ chốt của Ngân hàng. Ông bị sức ép từ trên hay thấy cần phải làm mới bộ máy nhân sự của VietinBank?
Tôi cho rằng, điều này cũng là lẽ thường tình, bởi mỗi người lãnh đạo lại có một quan điểm điều hành khác nhau. Vấn đề là những sự thay đổi này phải vì mục tiêu chung, tức là làm cho hoạt động của Ngân hàng tốt lên. Bản thân tôi đi lên từ Tổng giám đốc, nên cũng có nhìn nhận khách quan về thực trạng hoạt động kinh doanh cũng như các hoạt động khác của ngân hàng.
Một trong những vấn đề mà tôi bắt đầu tay ngay vào thực hiện khi vừa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch là sắp xếp lại một số nhân sự của một số đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt, vừa rồi, HĐQT cũng ban hành cơ chế luân chuyển cán bộ mà tại những ngân hàng nước ngoài đã được áp dụng cả trăm năm nay. Cơ chế này cũng được sự giúp đỡ của cổ đông chiến lược và có xem xét các điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
Đây cũng là một nét rất mới của VietinBank và VietinBank cũng là một trong những ngân hàng đi đầu trong vấn đề này. Điều này cũng có rất nhiều tác dụng, vừa là động viên, khuyến khích người lao động cống hiến nhiều hơn và cũng rất tốt cho hệ thống VietinBank. Ví dụ như một cán bộ được đưa vào diện luân chuyển công tác sẽ có cơ hội thăng tiến rất lớn trong tương lai nếu như qua công việc thể hiện được bản thân.
Nhưng thực tế, kể từ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, sự thay đổi mới chỉ diễn ra trong một phạm vi rất nhỏ, mang tính chất thí điểm và đến năm 2015, việc thực hiện luân chuyển công tác sẽ được diễn ra thường xuyên, toàn diện trong cả hệ thống. VietinBank sẽ sàng lọc, đào tạo, tìm ra được đội ngũ lãnh đạo trong tương lai một cách phù hợp nhất.
Kế hoạch của ông trong năm 2015 là gì?
Kế hoạch của tôi cho năm 2015 vẫn chỉ toàn tâm, toàn ý đến hoạt động ngân hàng, bởi đây là năm bản lề của VietinBank và tôi ở vào vị trí có quá nhiều công việc phải lo. Trong năm nay, một loạt kế hoạch hành động với khẩu hiệu “Đổi mới để phát triển” sẽ được triển khai rất nhiều nội dung, chương trình và hướng Ngân hàng tới sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.