Ông Chủ Mường Thanh với chiến thuật “tiền sinh tiền”

Thay xe Roll-Roys đời mới nhất nhưng ông chủ Mường Thanh vẫn kè kè chiếc điếu cày cũ và làm việc trong căn phòng rộng chưa đầy 20 m2, được bài trí đơn giản, mà nếu không quen sẽ chẳng ai đoán đây là nơi làm việc của một đại gia tầm cỡ.

Ông Chủ Mường Thanh với chiến thuật “tiền sinh tiền”

Chân phải: bất động sản

Ông Lê Thanh Thản, được thị trường gọi với cái tên ông chủ Mường Thanh hoặc đại gia điếu cày, bắt đầu câu chuyện về thị trường năm 2015. Ông bảo, với quy định mới của Luật Đất đai 2015, tiền sử dụng đất tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản như Mường Thanh sẽ kém đi vì không thể tăng giá bán nhà. Bán giá cao, để hàng tồn thời điểm này chỉ có nước chết.

Nói như vậy có nghĩa, dù chính sách thay đổi, Tập đoàn của ông với một loạt dự án trong Nam ngoài Bắc vẫn trung thành với chiến lược: làm nhanh, bán nhanh, giá hợp lý.  Thống kê chưa đầy đủ, riêng tại Hà Nội, năm 2014, Tập đoàn của ông  bán được 12.000 căn hộ. Vào những ngày cuối năm, 1.300 căn hộ tại Nha Trang ông bán hết trong 1-2 ngày. Lý do rất đơn giản: Dự án có vị trí đẹp, nằm trên đường Trần Phú, trong khu phức hợp khách sạn 5 sao, được đầu tư với tiêu chuẩn căn hộ trung cao cấp mà ông bán giá 17-18 triệu đồng/m2, chỉ bằng hơn nửa giá bán căn hộ các dự án tương tự tại thành phố biển này.

Tất nhiên, người mua nhà không phải ai cũng có nhu cầu để ở hoặc cho thuê, mà trong đó có nhiều dân môi giới mua đi rồi bán lại, nhưng nếu không thấy cơ hội, chẳng cò nào dại ném tiền để ngồi “chờ sung”.

Nhanh từ cách nghĩ, đến cả cách làm. Các dự án của Tập đoàn này cũng lập kỷ lục về mức độ đông đúc, thu hút người dân đến ở ngay sau khi nhận bàn giao nhà sớm nhất. Tối tối, nếu ai có dịp qua các dự án như Khu đô thị mới Xa La, Đại Thanh, Linh Đàm… ở Hà Nội, ngước nhìn những tòa nhà sáng ánh đèn, mới thấy mức độ thực tế của nhà phát triển bất động sản xuất thân từ tỉnh lẻ Điện Biên này.

Không chỉ xây nhà, ông Thản còn chỉ đạo đầu tư cả những tiện ích phục vụ nhu cầu sống thiết yếu của người dân đô thị. Chung cư chưa có siêu thị, nhà trẻ…, Tập đoàn xin bổ sung giấy phép kinh doanh và tự bỏ vốn mở siêu thị, lập nhà trẻ… “Đầu tư vào giáo dục, thương mại không mất nhiều vốn mà có thể phục vụ dân tại chỗ, tạo thuận tiện cho cuộc sống của họ. Chủ đầu tư không chủ động, cứ trông chờ người khác đến lấp kín diện tích thương mại thì đến bao giờ”, ông nêu quan điểm.

Khi công nghệ xây dựng đã phát triển, đã có kinh nghiệm phát triển dự án, cắt giảm tối đa các khâu trung gian, gửi giá…, ông Thản bảo tiến độ sẽ được thực hiện rất nhanh. Tòa nhà 40 tầng, doanh nghiệp của ông chỉ thi công trong vòng 1 năm là hoàn thiện. Kinh doanh ai không phải vay? Ông Thản cũng vay ngân hàng như các doanh nghiệp khác, chỉ có điều đã có chữ tín từ trước, nên ông vay dễ hơn, điều kiện cũng tốt hơn. Quan trọng là không để tiền chết, tiền được quay vòng nhanh, sẽ lại sinh ra tiền.

Từ năm 2013 trở lại đây, mỗi năm, tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn của ông Thản cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ. Năm 2015, tại Hà Nội, đất sạch từ Khu đô thị Linh Đàm vẫn còn nhiều nên Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư khai thác 6-7 tòa chung cư nữa. Bằng con đường M&A, ông Thản và các cộng sự vẫn miệt mài tìm kiếm thêm các dự án mới để có thể sớm đưa nhà ra thị trường. “Ai có dự án không triển khai được, tôi sẵn sàng mua, miễn sao giá cả và vị trí hợp lý. Cơ hội thì vẫn còn nhiều lắm”, ông Thản chia sẻ về kế hoạch của mình.

Tính bộc trực có lẽ ảnh hưởng đến cách đầu tư của ông. Nhiều doanh nghiệp chọn cách kiếm tìm đất đẹp, dự án qua những con đường vòng, đầu tư mua bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa, có quyền sử dụng đất tại các vị trí đắc địa, doanh nghiệp của ông Thản không đi theo cách này. Ông bảo: “Cứ tay bo, cho thoải mái”. 

Chân trái: khách sạn

Nếu như trước đây, nhiều người biết đến ông Thản và Công ty Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu với các dự án bất động sản giá rẻ, thì nay ông còn được biết đến với vai trò đại gia đáng nể trong làng kinh doanh khách sạn.

Khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực này với Khách sạn Mường Thanh Điện Biên, đến nay, trong tay Công ty đã có gần 30 khách sạn từ 3 - 5 sao trải dài từ Bắc xuống Nam.

Điểm chung của các khách sạn này là đều mang tên Mường Thanh và gắn với địa danh chúng được đầu tư xây dựng như Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội), Mường Thanh Nghệ An, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Sapa, Mường Thanh Nha Trang…

Ông Thản kể lại cơ duyên khiến ông quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực khách sạn cao cấp. Năm 1999 - 2001, doanh nghiệp có cộng tác với một số nhà thiết kế Thụy Sỹ và đặt phòng tại Khách sạn Daewoo Hà Nội cho khách. Giá phòng khi đó tới gần 200 USD/đêm, nhưng phải đặt trước mấy ngày mới có. Có lẽ do đông khách, nên thái độ đón tiếp khách của Khách sạn không mấy nhiệt tình. Từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn tại Điện Biên, Nghệ An…, ông Thản quyết định sẽ kinh doanh khách sạn cao cấp tại Hà Nội và mở rộng ra các thành phố khác, với mong muốn tạo dựng thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt.

Dù 4 sao hay 5 sao, chiến thuật kinh doanh của hệ thống Mường Thanh rất đơn giản: Giá hợp lý và thái độ phục vụ nhiệt tình. Nếu như các khách sạn 4 sao khác tại Hà Nội có giá phòng trên 100 USD/đêm, thì khách sạn của ông chỉ là 40 USD/đêm. Mức giá trên, với không gian yên tĩnh, không khí sạch sẽ, phòng ốc tốt và đi lại thuận tiện, không cần quảng cáo nhiều, khách sạn vẫn luôn đạt công suất tới 95 - 100%.

Năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh khai trương 6 khách sạn, mở rộng bản đồ kinh doanh tới gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Năm 2015, theo tính toán của ông Thản, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 10 khách sạn nữa, trong đó chiến lược là tại TP. HCM.

Không chỉ đầu tư khách sạn tại Việt Nam, ông Thản và các cộng sự còn mở rộng sang Lào. Tại Viêng Chăn, Khách sạn Mường Thanh quy mô 35 tầng, cao nhất thủ đô nước bạn đang được xây dựng. Vừa hoàn tất chuyến công tác dài ngày tại Nha Trang, ngay trong những ngày Tết Dương lịch, ông Thản đã có mặt tại Lào để đốc thúc, kiểm tra tiến độ công việc.  Say mê, tận tụy, công việc cứ cuốn ông có mặt trên khắp các nẻo đường. 

Nhiều người tò mò, tiền đâu mà Mường Thanh có thể làm nhiều khách sạn đến vậy và làm khách sạn có lãi không? Ông bảo: “Tích tiểu thành đại, còn làm gì mà chẳng phải vay. Làm khách sạn có lãi nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Còn nếu tính lời lãi lớn ngay từ đầu thì sẽ không ai đầu tư làm khách sạn”. Người lao động trực tiếp có tên trong bảng lương, bảo hiểm xã hội của Tập đoàn hiện là trên 10.000 người, còn công ăn việc làm cho cả hệ thống từ các nhà thầu phụ đến lao động thời vụ thì có lẽ gấp nhiều lần mức đó.

Không dừng lại ở 30 khách sạn trải dài khắp Việt Nam, ông Thản và Tập đoàn Mường Thanh sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều khách sạn mới cả trong nước và khu vực nếu có cơ hội thuận lợi. Mong muốn của ông và nhiều cộng sự là tạo ra một thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt, được vận hành và quản lý bởi người Việt, tạo ra cơ hội để người Việt có thể ở và hưởng thụ dịch vụ ở các khách sạn 4-5 sao với giá cả hợp lý nhất có thể. 

Giữ lại góc quê

Dùng siêu xe nhưng bản thân ông Thản chả bao giờ tiêu xài cho quần áo tư trang hàng hiệu. Ông dùng Roll - Roys vì nội thất của nó rộng rãi, tiện nghi, còn thói quen hút thuốc lào, chắc ông chả bao giờ từ bỏ được. Cộng sự của ông thuở còn hàn vi, nhiều người  về TP. Hà Nội, Sài Gòn công tác, thỉnh thoảng có dịp thăm ông tại văn phòng, anh em gặp nhau, lại vớ điếu cày làm một hơi sảng khoái.

Đi nhiều nơi, nắm trong tay khối tài sản ít ai đo đếm được, ông Thản cũng chẳng cầu kỳ trong cách ăn uống. Doanh nhân này vẫn thích những món ăn dân dã như đậu phụ, mắm tôm, uống nước chè và ghét rượu ngoại.

Gặp ông chủ một tập đoàn lớn không phải chuyện dễ, nhưng với ông, khách hàng không quen vẫn có thể gặp thẳng, nói chuyện và đề nghị tại văn phòng. Giải quyết cho họ xin chậm nộp tiền, không tính lãi, hay đổi căn hộ là chuyện như cơm bữa.

Không thích xuất đầu lộ diện ở khắp chốn khắp nơi, doanh nhân này cũng không muốn nói nhiều về bản thân mình, song nếu gặp người tâm đắc, ông có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về kinh doanh, về bản sắc của doanh nghiệp Việt trên thị trường cạnh tranh đầy quyết liệt.

Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ông cũng chi hàng tỷ đồng để doanh nghiệp sẻ chia quà Tết đến đồng bào khốn khó. Tết Ất Mùi, một trong những địa chỉ Mường Thanh có mặt những ngày cuối năm là vùng đất nghèo Lào Cai..

Phong Lan
Baodautu.vn

Tin cùng chuyên mục