Hồn Việt ở xứ sở kangaroo

Dẫu xa quê hương, nhưng tấm lòng hướng về nguồn cội với tình cảm đoàn viên sum vầy trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc dường như đã ăn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Việt ở Australia.

Cửa hàng hoa tươi tại khu chợ Cabramatta Cửa hàng hoa tươi tại khu chợ Cabramatta

1. Tôi đến Sydney vào một ngày cuối năm, khi Hà Nội đang trong tiết trời xuân se lạnh, còn Sydney là cuối hạ. Bầu trời Sydney trong veo, nắng ban mai trải nhẹ với từng cơn gió mơn man, màu xanh rợp phố, từng đoàn xe bất tận nối đuôi nhau trong trật tự, khung cảnh thật bình yên.

Đưa tôi đến thăm “Ngôi nhà Việt Nam” nằm ở Petersham, một vùng ngoại ô cách trung tâm TP. Sydney chừng 10 km, anh Hà Tuấn, nghiên cứu sinh tại Đại học UNSW (The University of New South Wales), người có “thâm niên” 6 năm ngang dọc Australia, cho biết, ngôi nhà này đã là nơi trú chân của bao lớp du học sinh Việt Nam ở Sydney.

Trái với vẻ ngoài già nua, cũ kỹ, bên trong ngôi nhà được bài trí thật sinh động và trẻ trung. Gây ấn tượng mạnh với tôi là hình ảnh 2 lá cờ Việt Nam và Australia nằm song song ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Không rõ ông chủ nhà Richard Turnell đã treo 2 lá cờ này từ khi nào, bởi màu sắc đã phai dần theo năm tháng, song có một điều tôi chắc chắn là tình cảm của ông đối với Việt Nam không hề thay đổi.

Không khí Tết đang tràn ngập ngôi nhà. Ông Richard Turnell và các sinh viên Việt Nam đang sôi nổi bàn kế hoạch làm bánh chưng chào đón năm mới. “Năm nào cũng vậy, các thành viên trong ngôi nhà đều chuẩn bị mâm cỗ đón năm mới với bánh chưng, giò lụa, gà luộc, nem rán, mứt, trà, rượu để cúng giao thừa, cầu mong những điều tốt đẹp, sau đó mọi người cùng thưởng thức trong bầu không khí ấm áp, đậm chất Việt”, ông Richard Turnell hào hứng kể.

2. Chính phủ Australia đã sắp xếp cho cộng đồng người Việt đến Sydney làm ăn, sinh sống tại 3 khu vực chính thuộc ngoại ô phía Tây là Bankstown, Marrickville và Cabramatta - thủ phủ của người Việt ở Sydney. Sau 4 thập kỷ sinh sống, những người Việt định cư tại đây đã biến vùng đất ngoại ô này trở thành một trung tâm thương mại sầm uất nhất của cộng đồng Á châu tại Australia.

Tại đây, những văn phòng tư vấn luật, dịch vụ địa ốc, chuyển tiền, phòng mạch… nằm san sát, đan xen là các cửa hiệu tạp hóa, thực phẩm, trái cây, trong đó nhiều nhất là các cửa hiệu ăn uống với hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ. Thú vị nhất là có thể dễ dàng tìm thấy tại đây các món ăn quen thuộc ở quê nhà như bún riêu cua, bún chả, phở Bắc gia truyền, bún bò Đông Ba, bún cá Kiên Giang, hủ tiếu Thanh Vân...

Ghé vào tiệm Hương Quê, đập vào mắt tôi là tấm biển “Có tiết canh vịt vào các sáng Chủ nhật”. Điều bất ngờ hơn là ở đây có đủ các món khoái khẩu dành cho dân “bợm nhậu” như lòng lợn, cổ hũ, cháo lòng…, với đầy đủ các loại rau thơm phong phú như húng quế, kinh giới, tía tô, rau mùi, không khác gì quán nhậu ở bên nhà.

Có một món ăn bình dân nhưng đã làm nên “thương hiệu” của người Việt ở Australia, đó là bánh mỳ. Anh Tuấn bảo, ở bất cứ nơi nào trên đất Australia, hễ nhắc tới bánh mỳ là phải nhắc đến tiệm bánh của người Việt Nam. Các tiệm bánh mỳ Việt Nam đang cạnh tranh với các cửa hàng bán đồ ăn nhanh phổ biến ở Australia như Mc Donal, Subway. Giá một ổ bánh không rẻ (5 đô la Australia, tương đương gần 90.000 đồng), nhưng người Australia và khách du lịch vẫn xếp hàng chờ mua bằng được.

Dạo quanh khu chợ Cabramatta, có cảm giác như đang ở đâu đó loanh quanh Sài Gòn, không chỉ bởi âm hưởng chủ đạo là giọng Nam “rặt”, mà phong cách, lối sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu cũng không khác bên Việt Nam là mấy. Cũng lấn ra vỉa hè để buôn bán, cũng có tiếng rao hàng lảnh lót, tiếng gọi nhau ơi ới và cả tiếng mặc cả của khách.

Vào dịp này, Hội đồng địa phương phải ngăn một số con đường để dành diện tích cho chợ Tết. Có đủ các món ăn hương vị quê nhà được bày bán tại chợ như bánh đa nem, giò, chả, hạt dưa, bao lì xì, trái cây bày mâm ngũ quả, giỏ quà tết, bánh, mứt và rất nhiều loại hoa tươi. Thi thoảng tiếng pháo (âm thanh điện tử) ran lên với ánh điện quang lóe sáng như thật, xen lẫn tiếng nhạc xuân rộn rã vẳng ra từ một tiệm băng đĩa…

3. Trường đại học UNSW, nơi diễn ra lễ đón giao thừa, cũng là nơi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến công tác Sydney lần này. Đây là trường đại học lớn nhất tiểu bang New South Wales và đứng vị trí thứ hai trên toàn Australia. Hiện số lượng nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại UNSW khoảng vài chục người, chủ yếu theo diện học bổng giáo dục do Chính phủ Australia tài trợ.

Anh Nguyễn Quang Đại, cựu nghiên cứu sinh của UNSW cho biết, đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp xuân về, nhóm nghiên cứu sinh UNSW lại tổ chức chương trình đón giao thừa cho anh chị em đang theo học tại trường, nhằm tạo sự đoàn kết giữa mọi người, đồng thời hướng về quê hương.

Mỗi người một việc, mỗi gia đình một món, cuối cùng bữa tiệc đón Tết có đầy đủ các món ăn cổ truyền đặc trưng của từng miền. Lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng bên cạnh chiếc bàn thờ dưới gốc cây cổ thụ trong sân trường. Đại diện nhóm mừng tuổi đầu năm cho các cháu nhỏ kèm theo những lời chúc tốt đẹp, khiến những gương mặt trẻ thơ bừng lên những nụ cười…

Lễ đón giao thừa đã quy tụ đông đảo sinh viên từ các trường đại học ở Sydney và một số bạn bè quốc tế đến chung vui. Tại đây, họ đã được hiểu thêm về nét đẹp văn hóa cổ truyền của Việt Nam, đồng thời cảm nhận được sự trân trọng và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng nghiên cứu sinh, du học sinh Việt Nam tại Australia…

Nguyễn Vũ Việt An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục