Trong quý IV/2015, không có nhiều biến động về tuyển dụng của các ngành. 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất vẫn thuộc về các ngành sản xuất (chiếm 22%); bán lẻ, hàng tiêu dùng (14%); dệt may (10%), ngân hàng - tài chính - bảo hiểm (10%) và công nghệ thông tin (7%).
Những vị trí tuyển dụng “nóng nhất” trong năm 2015
Nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng tại Navigos Search đã phản ánh một phần của thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong năm 2015 khi các yêu cầu tuyển dụng thông qua Navigos Search tăng 44% so với năm 2014. Các vị trí được tuyển nhiều nhất có thể kể đến kỹ sư điện, điện tử, kỹ sư lập trình, tiếp thị và bán hàng, trong đó các ngành có nhu cầu tuyển dụng “nóng” nhất thuộc về các lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, dệt may, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Các ngành có mức lương cao nhất trong năm 2015
Tại Hà Nội, ngành tài chính - ngân hàng đứng đầu trong 10 ngành có mức lương cao nhất trong năm 2015. Dải lương dành cho nhân sự cấp trung, cấp cao trong 10 ngành này dao động từ 100 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là các ngành sản xuất, bất động sản…
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành chăm sóc sức khỏe đứng đầu trong 10 ngành trả lương cao nhất cho nhân sự cấp trung và cấp cao. Đứng sau ngành này là các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, tài chính - ngân hàng… Dải lương cao nhất của 10 ngành này dao động từ 70 triệu đồng đến 225 triệu đồng/tháng.
Theo dữ liệu của Navigos Search, mức lương cao nhất được trả cho vị trí nhân sự quản lý trung, cao cấp trong năm 2015 tăng 11%, ở mức 225 triệu đồng so với mức 202 triệu đồng trong năm 2014.
Những dịch chuyển về nghề đáng chú ý trong năm 2016
Theo quan sát và nhận định của các chuyên gia tuyển dụng tại Navigos Search, trong năm 2016 có thể sẽ có một số sự dịch chuyển đáng kể trong nhu cầu tuyển dụng.
Ngành đáng lưu ý nhất trong năm 2016 là ngành dược, bao gồm cả công ty dược nước ngoài và trong nước. Ngành dược trong nước tăng trưởng rất cao, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, cùng với đó, các vị trí nhân sự cấp trung trong nghề tiếp thị và bán hàng cũng có khả năng sẽ được tuyển dụng mạnh mẽ. Đối với các công ty dược nước ngoài, việc mua bán sáp nhập các công ty sản xuất dược phẩm nôi địa có khả năng tiếp tục diễn ra nên nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng cao. Các vị trí quản lý như Giám đốc Bán hàng, Giám đốc Sản phẩm và các vị trí liên quan đến kỹ thuật đang là những vị trí có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Viễn thông cũng sẽ là ngành được dự báo có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh khi công nghệ 4G dự kiến được triển khai vào đầu năm nay. Các nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghệ này cũng đã có sự chuẩn bị cho việc tuyển dụng nhân sự phục vụ cho các dự án này.
Lĩnh vực Tài chính Tiêu dùng có thể có nhu cầu tuyển dụng mạnh trong năm nay khi có làn sóng các ngân hàng thương mại mua lại các công ty tài chính nhằm thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng cá nhân.
Trong ngành Công nghệ thông tin mảng thương mại, các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đang có xu hướng tuyển dụng các nhân sự người Việt là các cựu du học sinh Việt Nam ở các nước lân cận như Thái Lan, Singapore và Malaysia về làm việc. Các cựu du học sinh này sau khi tốt nghiệp đã có 5 - 6 năm kinh nghiệm làm việc tại nước sở tại. Với vốn tiếng Anh thành thạo, giỏi công nghệ, lực lượng lao động này đang rất được các công ty nước ngoài tại Việt Nam chào đón.
Ngoài ra, có một số các lưu ý về lĩnh vực tuyển dụng khác trong lĩnh vực sản xuất, nhất là khu vực phía Bắc khi có một số các nhà máy sẽ di chuyển xa hơn ngoài các khu công nghiệp quen thuộc ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Điều đó cũng có nghĩa là việc tìm kiếm nhân sự cấp trung, cấp cao cũng sẽ khó khăn hơn. Đối với ngành bán lẻ, xu hướng thành lập các cửa hàng tiện ích sẽ nhiều hơn so với thành lập các siêu thị lớn do vậy các cơ hội dành cho các vị trí mới tốt nghiệp đại học cũng sẽ dồi dào hơn. Các vị trí quản lý trong ngành hàng Tiêu dùng nhanh tiếp tục được tìm kiếm vì nhân sự trong ngành này vẫn luôn thiếu.