Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp ngay từ bây giờ
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, những ngành có thể có tác động tích cực với việc xóa bỏ thuế quan từ TPP là thủy sản, may mặc, giày dép, nội thất, còn những ngành có thể có sự cạnh tranh mạnh từ nhập khẩu là chăn nuôi (bò, heo, gia cầm), thực phẩm chế biến, cơ khí ôtô, công nghiệp hóa chất, công nghiệp nặng. Tất nhiên, để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ TPP, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe.
Ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa. Tuy nhiên, phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP”, ông Nestor Scherbey nói.
Theo ông Nestor Scherbey, các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các chuyên gia về hải quan để xác định tiêu chuẩn TPP về hàng hoá của mình và nên đầu tư trong những dịch vụ như vậy.
Ngoài ra, các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu nên thực hiện các quy trình lưu trữ và chuẩn bị để thay đổi chúng. Tối thiểu, các nhà sản xuất cần yêu cầu nhà cung cấp các nguyên vật liệu và linh kiện cung cấp các tài tiệu chứng minh nguồn gốc của các nguyên liệu và linh kiện được sử dụng để sản xuất và lắp ráp ra hàng hoá xuất khẩu đến một quốc gia TPP. Các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu cần biết một cách chính xác mã phân loại hàng hoá được cơ quan hải quan áp dụng với hàng hoá cuối cùng của họ tại quốc gia TPP họ xuất khẩu tới.
Kết nối và kiểm soát thông tin bằng thương mại điện tử
Về phía Chính phủ, ông Nestor Scherbey khuyến nghị, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Với sự giúp đỡ từ các chuyên gia kỹ thuật, các cuộc điều tra được tiến hành để xác định cụ thể hàng hóa trung gian mà Việt Nam có thể sản xuất, cung cấp cho các công ty FDI để các sản phẩm xuất khẩu đủ điều kiện hưởng ưu đãi từ TPP.
Các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập nguồn thông tin thương mại liên quan đến các hiệp định thương mại tự do và các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, dịch các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các doanh nghiệp trong nước.
Được biết, VTFA đang làm việc với DiCentra - một công ty công nghệ cao của Mỹ, để phát triển cổng thương mại B2B toàn cầu Vinababa. Cổng thương mại này đang được thiết kế và phát triển, cho phép các nhà sản xuất Việt Nam đăng ký hàng hoá cũng như thông tin của họ không mất phí. Các sản phẩm sẽ được công bố trên Internet trong một thư mục chung. VTFA cũng đang phát triển các chương trình đào tạo và hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ để được lựa chọn làm đối tác.