213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 8.555.402 ca nhiễm và 455.200 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 165.793 và 4.803 so với hôm qua. Tổng cộng 4.503.093 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.259.989 ca nhiễm và 120.543 ca tử vong, tăng lần lượt 26.764 và 613 ca trong 24 giờ qua.
Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng thấy. Theo dự báo, đến ngày 1/10, số ca tử vong vì nCoV có thể lên tới hơn 201.000.
Giới chuyên gia đang lo ngại kế hoạch tổ chức vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, có nguy cơ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) ước tính có tới 12% trong tổng số dân 331 triệu người của Mỹ sẽ không cần tiêm vaccine vì đã tiếp xúc với nCoV trước đó. Tuy nhiên, một quan chức cho rằng chưa có gì chắc chắn về việc vaccine Covid-19 sẽ thành công.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.833 ca nhiễm và 1.083 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 978.182 và 47.748.
Các nhà nghiên cứu lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây.
Tương tự Brazil, tình hình dịch bệnh tại các nước Mỹ Latin khác cũng chưa hạ nhiệt. Peru ghi nhận 244.388 ca nhiễm và 7.461 ca tử vong, tăng lần lượt 3.480 và 204. Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn phải đóng cửa.
Mexico báo cáo 159.793 ca nhiễm và 19.080 ca tử vong, tăng lần lượt 4.930 và 770. Một số ngành công nghiệp tại nước này đã hoạt động trở lại, trong khi biên giới phía bắc với Mỹ sẽ đóng ít nhất tới ngày 21/7.
Giới chức y tế Mexico cảnh báo số ca nhiễm tại nước này có nguy cơ vẫn tăng khi quá trình làm phẳng đường cong dịch đang chững lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 182 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 7.660. Số ca nhiễm tăng thêm 7.790, lên 561.091.
Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau. Moskva từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Nga xử lý khủng hoảng tốt hơn Mỹ, bởi giới chức liên bang và cấp vùng ở nước này đã phối hợp ăn ý với nhau, không có bất đồng giống như Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình tỏ ra hoài nghi số liệu Nga công bố.
Anh báo cáo thêm 1.218 ca nhiễm và 135 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 300.469 và 42.288. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng.
Các cửa hàng quần áo hoạt động trở lại hôm 15/6, nhưng khách không được sử dụng phòng thử đồ. Hiệu sách cho phép đọc lướt, nhưng khách hàng phải đặt những cuốn sách họ chạm vào mà không mua vào chỗ "cách ly" riêng.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 585 ca nhiễm, nâng tổng số lên 292.348, số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới.
Tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha được duy trì ít nhất tới 21/6. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết người Tây Ban Nha vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 m với nhau, cả trong nhà và ngoài trời.
Italy ghi nhận thêm 331 ca nhiễm và 66 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 238.159 và 34.514.
Nước này ghi nhận hai ổ dịch mới ở thủ đô Rome, trong bối cảnh toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.
Đức báo cáo thêm 622 ca nhiễm và 19 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 190.126 và 8.946. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các nước trong khối EU từ hôm 15/6.
Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Thủ tướng Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.596 ca nhiễm, nâng tổng số lên 197.647, trong đó 9.272 người chết, tăng 87 trường hợp so với hôm trước, lần đầu tiên nước này có dưới 100 ca tử vong mới trong 5 ngày.
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cảnh báo các con số thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu người dân không chịu ở nhà trong kỳ nghỉ sắp tới. Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa.
Arab Saudi ghi nhận thêm 4.757 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 145.991 và 1.139.
Nước này sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca. Tuy nhiên, giới chức chưa công bố liệu họ có cho phép tổ chức lễ hành hương Hajj, dự kiến vào cuối tháng 7, hay không.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 381.091 ca nhiễm và 12.604 ca tử vong, tăng lần lượt 13.827 và 342. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nước này đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quan bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6.
Trung Quốc chưa công bố số liệu.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 42.762 ca nhiễm, tăng 1.331 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.339 người chết, tăng 63 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
Singapore ghi nhận 41.473 ca nhiễm, tăng 257, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.
Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học sinh mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.