213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 7.981.067 ca nhiễm và 435.141 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 127.998 và 3.520 so với hôm qua. Tổng cộng 4.096.444 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.161.366 ca nhiễm và 117.849 ca tử vong, tăng lần lượt 20.374 và 347 ca trong 24 giờ qua.
Các ca nhiễm mới nCoV tại nhiều bang của Mỹ, bao gồm cả hai bang đông dân nhất là Texas và Florida, tiếp tục tăng trong bối cảnh cả nước đều đã nới phong tỏa ở các cấp độ khác nhau.
Giới chức y tế cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ việc chính quyền các bang đã tăng xét nghiệm và số ca nhiễm nCoV trên đầu người vẫn thấp, song một số chuyên gia y tế nhận định đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn hoành hành mạnh. Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc khắp nước Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch mới.
Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil báo cáo thêm 17.086 ca nhiễm và 598 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 867.882 và 43.389.
Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực sự ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của Brazil vẫn chịu được áp lực.
Thành phố Sao Paulo cho phép các cửa hàng có thể mở cửa kinh doanh 4 giờ/ngày từ 10/6 và các trung tâm thương mại có thể mở cửa một ngày sau đó. Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai Brazil, cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, trong đó cho phép tổ chức các trận bóng đá không khán giả.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro liên tục xem nhẹ Covid-19 khi gọi nó là "cúm vặt" và kêu gọi các thống đốc bang dỡ biện pháp phong tỏa đang làm tổn hại tới nền kinh tế đất nước. Bolsonaro cũng cáo buộc WHO đã mất uy tín khi xử lý đại dịch và đe dọa Brazil có thể rút khỏi tổ chức này.
Peru báo cáo 229.763 ca nhiễm và 6.688 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 4.604 và 190. Trường học, nhà hàng, quán bar đóng cửa.
Chỉ các cửa hàng bán hàng thiết yếu được phép đón khách, ngoài ra tiệm quần áo, tiệm bán đồ gia dụng hay văn phòng phẩm có thể cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi.
Mexico báo cáo 142.690 ca nhiễm và 16.872 ca tử vong, tăng lần lượt 3.494 và 424. Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell cảnh báo dự đoán về các ca nhiễm nCoV ở nước này có thể sẽ tăng thêm khi quá trình làm phẳng đường cong dịch đang chững lại.
Tuy nhiên, Mexico đã khởi động lại nền kinh tế, cho phép các ngành công nghiệp ôtô, khai thác mỏ và xây dựng hoạt động trở lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 119 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.948. Số ca nhiễm tăng thêm 8.835, lên 528.964.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitri Peskov nói Nga đối phó được nCoV và hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả giúp tỷ lệ tử vong thấp.
Nhiều nhà phê bình tỏ ra hoài nghi số ca tử vong do nCoV thấp tại Nga, song chính phủ nước này khẳng định nguyên nhân là do họ đã tiến hành xét nghiệm diện rộng và phát hiện được những ca nhiễm nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Moskva cho biết họ đã ghi lại nguyên nhân tử vong dựa trên kết quả khám nghiệm tử thi và những tiêu chuẩn quốc tế do WHO đề ra.
Anh báo cáo thêm 1.514 ca nhiễm và 36 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 295.889 và 41.698. Một số trường học đã mở cửa, chợ ngoài trời và phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại nhưng nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 323 ca nhiễm, nâng tổng số lên 291.008, số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới.
Tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết người Tây Ban Nha vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 m với nhau, cả trong nhà và ngoài trời.
Italy ghi nhận thêm 338 ca nhiễm, nâng tổng số lên 236.989, trong khi số người chết là 34.345, tăng 44 trường hợp. Italy đã mở lại toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng và cho phép người dân tự do di chuyển khắp đất nước.
Đức báo cáo thêm 248 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 187.671 và 8.870. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6, song cảnh báo công dân không đến các nước ngoài châu Âu được duy trì cho đến hết tháng 8.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.472 ca nhiễm, nâng tổng số lên 187.427, trong đó 8.837 người chết, tăng 107 trường hợp so với hôm qua.
Nhà nghiên cứu dịch tễ học của Bộ Y tế Iran, Mohammad-Mehdi Gouya, cho biết nguyên nhân khiến ca nhiễm gần đây tăng trở lại là do mở rộng xét nghiệm những người "không có hoặc có triệu chứng nhẹ".
Hoạt động gần như đã trở lại bình thường ở hầu hết 31 tỉnh của đất nước song chính phủ Iran lo ngại về tình trạng người dân phớt lờ các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Arab Saudi ghi nhận thêm 4.233 ca nhiễm và 40 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 127.541 và 972.
Chính phủ Arab Saudi cho biết sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ ngày 21/6, trừ thành phố Mecca, sau hơn hai tháng kiểm soát nghiêm ngặt. Các sự kiện thể thao không có khán giả cũng được phép diễn ra.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 333.008 ca nhiễm và 9.520 ca tử vong, tăng lần lượt 11.382 và 321. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, song các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại đây chưa đạt đỉnh.
Singapore, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, hiện ghi nhận 40.604 ca nhiễm, tăng 407, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Tỷ lệ tử vong tại quốc gia này rất thấp nhờ xét nghiệm rộng rãi và hệ thống y tế hoạt động hiệu quả.
Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học sinh mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.
Indonesia ghi nhận 857 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 38.277, trong đó 2.134 người chết, tăng 43 ca. Tuần trước, Jakarta mở lại nhà thờ Hồi giáo sau gần ba tháng. Văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các điểm du lịch cũng dần hoạt động trở lại.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.